Tình hình tại khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) tạm thời ổn định, linh mục, giáo dân không tập trung về đây làm lễ nữa. Chỉ có một số đoàn nhỏ lẻ từ các địa phương phía bắc đi hành hương La Vang (Quảng Trị) ghé vào dự định thăm, cầu nguyện, nhưng khi được lực lượng bảo vệ vận động, giải thích thì họ đi ngay, không có phản ứng gì phức tạp.
Di tích chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. - Ảnh: T.T.O
Tuy nhiên, tại các giáo xứ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, nhất là Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nhà thờ vẫn tổ chức các hoạt động như treo các băng rôn, khẩu hiệu với nội dung kích động, tổ chức thắp nến, cầu nguyện, quyên góp tiền ủng hộ “Giáo xứ Tam Tòa”; một số linh mục vẫn rao giảng với nội dung kích động chống đối chính quyền. Điển hình như ngày 27/7, trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, một ô tô bốn chỗ chở 7 người, trong đó có hai linh mục trên đường vào Quảng Bình; đội tuần tra kiểm soát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra, xử lý thì một số giáo dân quá khích ở gần đó kéo đến lăng mạ, đe dọa cảnh sát giao thông và ném vỡ kính xe của đội tuần tra.
Cũng trong ngày 27/7/2009, 5 linh mục ở Hà Tĩnh cùng khoảng 100 giáo dân đến khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa, Quảng Bình để tổ chức cầu nguyện, lực lượng bảo vệ, nhân dân trong khu vực đã vận động giải thích không cho vào nhưng các linh mục và giáo dân không nghe, dẫn đến xô xát làm một số người bị thương nhẹ, trong đó có linh mục Nguyễn Đình Phú (không mặc tu phục). Chính quyền đã can thiệp kịp thời, đưa giáo dân ra khỏi khu vực và đưa linh mục Phú cùng ba giáo dân vào sơ cứu tại trạm y tế phường Đồng Mỹ. Linh mục Phú đã gọi điện cho linh mục Ngô Thế Bính ở Bố Trạch (Quảng Bình) đến thăm và đón về. Theo đề nghị của linh mục Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật đã đưa linh mục Bính đến trạm xá phường Đồng Mỹ thăm Linh mục Phú. Sau khi thăm được một lúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật đã đề nghị linh mục Bính cùng về, nhưng linh mục Bính đề nghị ông Trần Công Thuật về trước để linh mục Bính nói chuyện thêm với linh mục Phú. Nhưng, khi linh mục Bính thăm linh mục Phú trở ra thì bị quần chúng đuổi đánh, linh mục Bính đã nhảy từ tầng hai của bệnh xá xuống đất để chạy trốn dẫn đến bị thương (theo các linh mục khác cho biết thì linh mục Bính bị gãy một tay và hai răng, hiện đang điều trị tại phòng khám đa khoa của Tòa giám mục Xã Đoài). Cũng như linh mục Phú, khi đến nơi xảy ra vụ việc, linh mục Bính không mặc tu phục nên những người không phải giáo dân không biết là linh mục. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn thư thông báo cho Tòa giám mục địa phận Xã Đoài rõ vụ việc nhưng các đối tượng vẫn kích động vu cáo xuyên tạc cho rằng “linh mục Bính bị đánh khi đi cùng phó chủ tịch mà phó chủ tịch tỉnh không can thiệp”. Một số đối tượng còn đặt nghi vấn việc này có sự sắp xếp của chính quyền.
Tối 28/7, tại xứ Kẻ Gai (Nghệ An) trong lễ dành cho sinh viên gồm bốn linh mục và hàng trăm sinh viên giáo dân tham dự, có đối tượng đã hô khẩu hiệu chống Đảng, Nhà nước.
Ngày 2/8, theo kêu gọi của Tòa gám mục Xã Đoài, trong rao giảng, một số linh mục các giáo xứ ở Nghệ An vẫn tiếp tục kích động chống đối chính quyền như yêu cầu giáo dân “nếu chính quyền xã, huyện gọi đi làm việc thì không đi khi chưa có ý kiến của linh mục xứ; yêu cầu số giáo dân làm việc trong Ủy ban Đoàn kết công giáo và cán bộ là người Công giáo phải nghỉ việc, nếu không nghe thì khi chết sẽ không được vào nhà thờ làm phép xác và không ai đến đưa tang...”. Nhân dịp này, Dòng Chúa cứu thế ở Hà Nội (Thái Hà) và tại TP Hồ Chí Minh, ngày 1/8/2009, cùng tổ chức lễ cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa với sự tham gia của hơn 1.000 giáo dân, hàng chục linh mục. Trong lễ có nội dung kích động, kêu gọi hiệp thông với Tam Tòa.
Không những vậy, linh mục Phạm Đình Phùng (Chánh văn phòng Tòa giám mục) và một số linh mục Tòa giám mục Xã Đoài đã tổ chức họp khẩn cấp hội đồng linh mục, hội đồng tư vấn linh mục Giáo phận Xã Đoài và hội đồng quản hạt sau đó ra bốn thông cáo khẩn cấp, một thông báo, nhiều đơn thư khiếu nại với nội dung không đúng sự thật, lăng mạ chính quyền, vu cáo công an dùng hơi cay đàn áp, thách thức pháp luật kích động giáo dân treo băng rôn, khẩu hiệu ở tất cả các giáo sứ và tòa giám mục.
Khi chính quyền yêu cầu linh mục Phùng bảo lãnh cho số đối tượng bị tạm giữ và cam kết không hoạt động xấu; hạ băng rôn khẩu hiệu thì linh mục Phùng không được thực hiện mà yêu cầu phải thả vô điều kiện mới cho hạ băng rôn. Đến nay, hầu hết các xứ trong giáo phận vẫn chưa hạ băng rôn khẩu hiệu. Khi linh mục Lê Thanh Hồng ở Quảng Bình có ý định ra gặp chính quyền thì linh mục Phùng không cho ra, sau đó linh mục Hồng trốn ra Tòa giám mục Xã Đoài.
Trên cơ sở cố tình xuyên tạc, kích động giáo dân nêu trên, các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng vụ việc này đưa nhiều tin bài trên Internet vu cáo ta tấn công các thánh thất, đập phá chùa miếu, phân biệt đối xử với người công giáo... Một số đài phát thanh nước ngoài có chương trình tiếng Việt và hàng chục trang web của bọn phản động lưu vong ở nước ngoài như Việt Tân, Thông tấn xã công giáo Việt Nam, Việt Báo, AsianNew... liên tục đưa hàng trăm bài có nội dung xuyên tạc sự thật về vụ việc xảy ra tại khu chứng tích tội ác chiến tranh- Tháp chuông Tam Tòa, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo.
Trước những hành động vi phạm pháp luật, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng tại khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa, khởi tố, bắt khẩn cấp 7 bị can vì tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật Hình sự. Qua điều tra, đến nay, các đối tượng đã khai nhận việc làm nhà trái pháp luật là do linh mục Lê Thanh Hồng chỉ đạo, thừa nhận bản thân đã có hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, xin Nhà nước khoan hồng (đối tượng Hoàng Hữu khai đã dùng đá ném vào lực lượng giải tỏa, đối tượng Hoàng Thị Tý khai đã cắn vào tay một người dân chảy máu trong khi xô xát với nhân dân tại chỗ và chống lại lực lượng vào can thiệp). Các bị can thừa nhận việc chính quyền, công an can thiệp kịp thời đã ngăn chặn đổ máu, không có việc công an đánh đập linh mục, giáo dân, dùng hơi cay, vòi rồng như luận điệu xuyên tạc, vu cáo của một số đối tượng. Lời khai của các bị can đều đã được ghi âm, ghi hình để phục vụ công tác xử lý và thông tin tuyên truyền làm rõ sự thật. Đến nay, Công an tỉnh Quảng Bình đã cho tại ngoại 5 bị can, chỉ còn tạm giam hai bị can là Nguyễn Quang Trung và Cao Thị Tình.
Ngày 10/8, UBND TP Đồng Hới đã họp báo về vụ dựng nhà trái phép và gây rối trật tự công cộng tại khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa; xác định hành vi của các đối tượng đã vi phạm quy định cụ thể của pháp luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa… ), trái với bản ghi nhớ ngày 23/10/2008 mà UBND tỉnh Quảng Bình cùng với Tòa giám mục Xã Đoài đã ký kết, “thống nhất sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Đồng thời xác định trách nhiệm và những sai phạm của linh mục Phạm Đình Phùng, Chánh văn phòng Tòa giám mục Xã Đoài, linh mục Lê Thanh Hồng, quản xứ Sen Bàng, phụ trách giáo dân Đồng Hới và những người trong “ban đại diện giáo dân Đồng Hới”.
UBND tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần mời linh mục đại diện Tòa giám mục Xã Đoài đến để đối thoại giải quyết vụ việc, hoặc nếu Tòa giám mục Xã Đoài không có điều kiện vào Quảng Bình thì đại diện UBND tỉnh Quảng Bình sẽ đến Tòa giám mục Xã Đoài để làm việc. Tuy nhiên, đến nay Tòa giám mục Xã Đoài vẫn không có trách nhiệm và thiện chí làm việc để giải quyết.
Hiện nay, các cấp các ngành của tỉnh Quảng Bình, các địa phương liên quan đang tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động các giáo sĩ, giáo dân không nên kéo đến khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa gây mất trật tự, tạo điều kiện để sớm ổn định tình hình vì cuộc sống bình yên của nhân dân, trong đó có bà con giáo dân, nhất là từ nay đến dịp lễ hội La Vang (14,15/8). Mặt khác, UBND tỉnh Quảng Bình đang hoàn tất dự án xây dựng khu chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông Tam Tòa, có kế hoạch triển khai xây dựng sớm dự án này để đưa vào phục vụ nhân dân, đồng thời tiếp tục giới thiệu đất phù hợp cho giáo hội xây dựng nhà thờ khi có nhu cầu và làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo TTXVN