Ngày nay, điện thoại di động, điện thoại cố định là những phương tiện cần thiết phục vụ công việc hàng ngày của nhiều cá nhân, cơ quan đơn vị. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng điện thoại để quấy rối người khác, gây ảnh hưởng cho người bị quấy rối.
Quấy rối qua điện thoại thường được thực hiện dưới hình thức tin nhắn, cuộc gọi nhằm mục đích đe dọa, chửi bới, thậm chí là khủng bố. Một số khác lại quấy rối bằng cách cố tình gọi, nhắn tin nhầm máy với nội dung không lành mạnh hoặc mang tính khiêu khích, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Có những cuộc gọi quấy rối gọi đến lúc nửa đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ cả gia đình. Có cuộc gọi gọi đến các số khẩn cấp như 113, 114, 115 với mục đích báo tin giả hoặc chửi bới…
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2008, lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113) đã tiếp nhận 295.946 cuộc gọi đến số điện thoại 113 nhưng chỉ có 58.277 tin liên quan đến an ninh trật tự (chiếm 19,7%), còn lại 237.669 tin báo sai, tin giả, gọi đến số điện thoại khẩn cấp nhưng không nói gì hoặc chửi tục, gây rối… Việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các đối tượng quấy rối này còn gặp nhiều khó khăn.
Các nguyên nhân chủ yếu của hành vi quấy rối qua điện thoại này là: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động thuyết phục nhân dân chưa làm thường xuyên; việc quản lý thuê bao di động trả trước còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong việc xác minh, xử lý và ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao quấy rối.
Các đối tượng quấy rối thường sử dụng thuê bao trả trước không đăng ký thông tin hoặc đăng ký thông tin không chính xác để quấy rối các thuê bao khác, do đó rất khó khăn trong việc xác định danh tính của chủ thuê bao quấy rối. Việc xác định danh tính của chủ thuê bao quấy rối sử dụng dịch vụ điện thoại trả trước có thể thực hiện bằng cách xác định thông tin của chủ thuê bao quấy rối như tên thuê bao, địa chỉ, vị trí phát sinh các cuộc gọi đi/đến từ thuê bao này, số IMEI… Trên cơ sở thông tin thu thập được, chúng ta phối hợp với cơ quan công an để liên hệ với chủ thuê bao gọi đi/ đến thuê bao quấy rối. Thông qua các chủ thuê bao này, có thể xác định đích danh nhân thân của chủ thuê bao quấy rối. Sau khi xác định được chủ thuê bao quấy rối, chúng ta cần phối hợp với công an địa phương để triệu tập đối tượng đến Bộ Thông tin - Truyền thông (hoặc Sở Thông tin - Truyền thông, công an địa phương nơi đối tượng cư trú) làm việc và xử lý theo quy định pháp luật.
LƯƠNG CÔNG ĐỨC
(Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên)