Ngày 1/11/2008 tới là tròn 10 năm Pháp lệnh về người tàn tật ra đời. Pháp lệnh này đã góp phần để người tàn tật có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập chưa được tháo gỡ và đã đến lúc cần có luật để bảo vệ quyền cho người tàn tật.
Dạy nghề sửa xe máy cho người khuyết tật ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: N.HÂN |
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phú Yên hiện có gần 20.000 người tàn tật, chiếm tỉ lệ 2,24% dân số toàn tỉnh.
Pháp lệnh về người tàn tật có hiệu lực từ ngày 1/11/1998, quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà nước và xã hội đối với người tàn tật trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, hỗ trợ đời sống, học văn hóa, dạy nghề… Pháp lệnh đã tạo hành lang pháp lý cho người tàn tật vươn lên, hòa nhập cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trợ giúp người tàn tật.
Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thực tế, vẫn còn nhiều cơ quan, ban, ngành chưa quan tâm đúng mức đến người tàn tật; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động chăm lo đời sống người tàn tật chưa đi vào chiều sâu. Một số chính sách, quy định được hướng dẫn thi hành chậm nên việc thực hiện các biện pháp trợ giúp người tàn tật không đồng bộ. Ông Đinh Viết Hậu, Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên) cho biết: Các quy định về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tỉ lệ lao động là người tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi... chưa được thực hiện đầy đủ. Các công trình công cộng, hoạt động văn hóa thể thao phục vụ người tàn tật còn hạn chế. Phần lớn các hoạt động dành cho người tàn tật chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều địa phương chưa coi trọng công tác trợ giúp người tàn tật, chưa lồng ghép vấn đề người tàn tật vào chương trình phát triển kinh tế xã hội. Nguy cơ gia tăng số lượng người tàn tật bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... đang là một thực tế đáng báo động.
Theo ông Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên, những tồn tại trên bộc lộ ở nhiều mặt; một trong những nguyên nhân là chưa có cơ chế giám sát việc thực thi Pháp lệnh về người tàn tật, chưa có chế tài đối với những hành vi vi phạm, chưa coi việc thực hiện chính sách đối với người tàn tật là trách nhiệm của các cấp, các ngành... Ông Vũ Thanh Bình nói: “Với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của môi trường sống, theo tôi, cần phải có luật về người tàn tật nhằm thực thi các quyền của họ, xử lý những hành vi vi phạm quyền của người tàn tật. Luật về người tàn tật được ban hành sẽ góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ sự kỳ thị, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động trợ giúp và đáp ứng những nhu cầu bức xúc nhất hiện nay của người tàn tật. Luật cũng sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội, đảm bảo cho người tàn tật được hưởng đầy đủ các quyền con người.
KIM CHI