Thứ Hai, 30/09/2024 20:21 CH
Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đơn giản, thống nhất
Thứ Năm, 13/04/2006 08:05 SA

Hoạt động đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang dần đi vào nền nếp tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. TS Nguyễn Thúy Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, đã cho biết về vấn đề này.

 

* Kể từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003, việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có những chuyển biến gì đáng kể, thưa bà?

 

060413-hung-vuong.jpg
Người dân được quyền thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo bằng quyền sử dụng đất - Ảnh: Ly Kha
- Trên thực tế, sự chuyển biến trong công tác đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã bắt đầu từ khi Liên bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT- BTP-BTNMT ngày 4-7-2003 (tức trước thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai một năm). Với việc đưa ra các quy định đơn giản, rõ ràng về thủ tục đăng ký, đồng thời áp dụng những biện pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan đăng ký, có thể nói Thông tư liên tịch số 03 đã thiết lập những nguyên tắc hết sức cơ bản cho hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất Quá trình thực hiện đăng ký theo quy định tại Thông tư này đem lại những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, được tổng kết để góp phần hoàn thiện pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định về quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản và quy định về thủ tục thực hiện quyền của người sử dụng đất tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.

 

Trên cơ sở các quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181/CP hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, điều đáng ghi nhận nhất là hiện nay trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp đã khắc phục được một số điểm hạn chế trước đây. Thí dụ như hồ sơ đăng ký đơn giản, rõ ràng hơn; thời gian đăng ký theo luật định được rút ngắn lại (từ 7 ngày xuống 5 ngày), các cơ quan đăng ký được kiện toàn thông qua việc xây dựng hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hoạt động đăng ký được triển khai bài bản, đúng luật hơn... Đây là kết quả của việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, và cũng thể hiện nỗ lực của một quá trình lâu dài vừa triển khai vừa đúc rút kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 

* Như vậy là về cơ bản, pháp luật đã tạo ra sự thông thoáng cho các doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên được biết thực tế triển khai vẫn có những vướng mắc. Xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

 

Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh Dự án Luật Đăng ký bất động sản để Chính phủ xem xét trình Quốc hội theo hướng xây dựng hệ thống đăng ký tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng đơn giản về thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong chứng nhận quyền và giao dịch bất động sản; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý những vướng mắc trong đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng bất động sản.

 

... Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai và thủ tục thực hiện các khoản thu từ đất đai; rà soát để đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Nghiêm cấm đặt thêm các thủ tục hành chính và các khoản thu, ngoài quy định chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

(Điểm 1 và điểm 3 Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai).

Thuận lợi về cơ bản (đặc biệt sau khi có Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 16-6-2005 thay thế Thông tư liên tịch số 03), song vẫn còn một số khó khăn xuất phát từ chính các quy định của pháp luật cũng như từ thực tiễn. Theo tổng kết của chúng tôi những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này có thể phân thành bốn nhóm lớn sau đây:

 

Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 181/CP về trình tự, thủ tục đăng ký. Thí dụ như quy định về thời hạn để yêu cầu đăng ký là 05 ngày, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng tín đụng là không phù hợp với thực tiễn các giao dịch tài chính, ngân hàng, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện; hoặc như quy định việc thế chấp phải được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi hồ sơ địa chính đã thể hiện nội dung này. Hay việc công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp bết động sản còn bị kéo dài, khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến ách tắc trong hoạt động đăng ký thế chấp bất động sản thời gian qua.

 

Thứ hai là những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình tổ chức, triển  khai hoạt động đăng ký tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thí dụ như không bảo đảm thời hạn đăng ký là 5 ngày làm việc theo luật định, tự tiện đặt ra những yêu cầu về hồ sơ đăng ký, từ chối thực hiện đăng ký mà không có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật... Nguyên nhân khách quan của tình trạng nêu trên là việc hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đang trong giai đoạn thành lập mới nên chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở, vật chất, cán bộ. Nhưng chủ yếu vẫn là những nguyên nhân mang tính chủ quan như nhận thức, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ... của một bộ phận cán bộ làm công tác đăng ký còn yếu kém.

 

Thứ ba là những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những quy định mang tính nội dung của hệ thống pháp luật về bất động sản ở nước ta. Về nguyên tắc, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản chỉ là hoạt động phát sinh từ hoạt động đăng ký quyền sở hữu bất động sản. Do đó, khi hoạt động đăng ký bất động sản ở nước ta vẫn còn tình trạng manh mún, phân tán, không thống nhất về nguyên tắc, thủ tục cũng như cơ quan đăng ký, thì những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai đăng ký có thế chấp bất động sản khó có thể khắc phục triệt để.

 

* Với chức năng giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý thống nhất về đăng ký giao dịch bảo đảm, bao gồm cả đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hiện nay Bộ Tư pháp đã có những giải pháp gì để khắc phục?

 

Thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đăng ký thế chấp bất động sản, nổi bật là việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử đụng đất cũng như giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số hiệp hội, tổ chức khác tập huấn về pháp luật và nghiệp vụ đăng ký thế chấp bất động sản cho những đối tượng có liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, thực hiện đăng ký trong lĩnh vực  này, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác và doanh nghiệp.

 

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 05 để phù hợp với các thay đổi về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS 2005. Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình tổ chức, triển khai hoạt động đăng ký tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, chúng tôi cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo sát sao và phối hợp với UBND cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, cản trở việc doanh nghiệp, người dân thực hiện việc đăng ký.

 

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả và có ý nghĩa lâu dài, đó là việc chúng ta phải  hoàn thiện một cách đồng bộ, tổng thể hệ thống pháp luật về bất động sản, trong đó có việc xây dựng Luật Đăng ký bất động sản theo hướng xây dựng hệ thống đăng ký tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng đơn giản về thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong chứng nhận quyền và giao dịch bất động sản như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22-2-2006.

 

* Xin cảm ơn bà! 

 

Theo PLVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek