Thời gian gần đây, Báo Phú Yên liên tục nhận được điện thoại của tài xế xe đầu kéo 30L-9059 cho rằng Trạm thu phí Bàn Thạch thuộc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên thu quá quy định chung. Phản ánh này đúng hay sai?
Trạm thu phí Bàn Thạch – Ảnh: H.TRUNG |
NHÀ XE: TRẠM BÀN THẠCH THU PHÍ QUÁ CAO!
Anh Nguyễn Long Chương, SN 1970, thường trú xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là tài xế đầu kéo 30L-9059 kéo theo rơ-moóc 29R-1273, thường vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Anh Chương cho biết trên đường từ Bắc vào Nam, anh phải đi qua tất cả 18 trạm thu phí cầu đường, nhưng chỉ có Trạm thu phí Bàn Thạch tại km 1350+150 quốc lộ 1A thuộc địa phận Phú Yên thu cao hơn tất cả. Tài xế này cũng đã đưa các cùi vé của 4 trạm thu phí gồm cầu Thăng Long (Hà Nội), cầu Giẽ (Hà Tây), Hoàng Mai (Nghệ An), cầu Rác (Hà Tĩnh) mức thu đối với xe và rơ-moóc của anh là 40.000 đồng/lượt; 3 trạm gồm cầu Bến Thủy (Nghệ An), hầm đèo Ngang (Hà Tĩnh), hầm Hải Vân (Thừa Thiên - Huế) mức thu là 35.000 đồng/lượt, các trạm thu phí còn lại chỉ thu 22.000 đồng/lượt. Trong khi đó, Trạm Bàn Thạch lại thu đến 80.000 đồng/lượt.
Theo tài xế Nguyễn Long Chương, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (cà vẹt) của xe 30L-9059 do Phòng CSGT Công an Hà Nội cấp, có ghi tải trọng hàng là 21.700 kg (21,7 tấn); còn trong sổ kiểm định an toàn kỹ thuật thì tải trọng thiết kế xe đầu kéo là 8.665kg (8,6 tấn), trọng lượng kéo theo là 21.700 kg (21,7 tấn). Như vậy theo quy định chung, xe đầu kéo 30L-9059 có tải trọng thiết kế dưới 10 tấn nên mức phí cầu đường bộ mà tài xế phải mua chỉ có 22.000 đồng như nhiều trạm đã bán. Lý giải vì sao vẫn có trạm thu phí mức 35.000 đồng/lượt hay 40.000 đồng/lượt, tài xế này cho rằng các trạm căn cứ vào sổ kiểm định của đầu kéo và sổ kiểm định của rơ-moóc rồi tính ra một mức thu phí tương ứng thường là 40.000 đồng/lượt. Riêng mức 35.000 đồng/lượt chỉ áp dụng đối với các hầm đèo Ngang, đèo Hải Vân hoặc trạm cầu Bến Thủy hoạt động theo hình thức BOT. Tài xế Nguyễn Long Chương còn cho biết thêm trạm nào cũng căn cứ vào cà vẹt xe và sổ kiểm định để bán vé với mức phù hợp, vậy mà không hiểu vì sao Trạm Bàn Thạch lại thu với mức quá cao như vậy.
ĐƠN VỊ QUẢN LÝ TRẠM: CHÚNG TÔI LÀM ĐÚNG QUY ĐỊNH
Trả lời những thắc mắc của tài xế Nguyễn Long Chương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên Trần Quang Lân cho biết, mức thu phí cầu đường bộ của Trạm Bàn Thạch thực hiện theo Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Theo đó, những xe có tải trọng từ 13 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức thu là 80.000 đồng/lượt. Theo ông Lân, mặc dù tải trọng thiết kế theo sổ kiểm định của xe 30L-9059 chỉ có trên 8,6 tấn nhưng tải trọng hàng hóa theo cà vẹt của xe này là 21,7 tấn nên áp dụng mức thu 80.000 đồng/lượt là hợp lý. Ông Lân còn cho biết thêm, không chỉ có xe 30L-9059 mà rất nhiều xe có thiết kế kỹ thuật tương tự cũng được áp dụng mức phí như vậy.
CẦN THỐNG NHẤT MỨC THU PHÍ
Chúng tôi đã nghiên cứu Thông tư 90 của Bộ Tài chính và tham khảo ý kiến của những người am hiểu lĩnh vực này thì nhận thấy những bất cập trong việc hướng dẫn thu phí dẫn đến việc cùng thực hiện theo quy định chung, nhưng mức thu của các trạm thu phí trên quốc lộ 1A lại khác nhau như đã nêu trên. Nếu căn cứ vào tải trọng thiết kế của phương tiện theo quy định của Thông tư 90 thì xe đầu kéo 30L-9059 chỉ phải chịu mức phí 22.000 đồng/lượt. Tuy nhiên cũng tại thông tư này quy định: “Tổ chức, cá nhân mua vé phải xuất trình cho người bán vé giấy chứng nhận đăng ký phương tiện tham gia giao thông để mua vé theo mức thu tương ứng với loại phương tiện và tải trọng thiết kế của phương tiện sử dụng”. Như vậy tài xế khi mua vé cầu đường bộ phải xuất trình cùng một lúc cà vẹt và sổ kiểm định, nhưng trong trường hợp này cà vẹt xe 30L-9059 chỉ ghi chung chung tải trọng hàng hóa là 21,7 tấn còn sổ kiểm định thì ghi tải trọng thiết kế trên 8,6 tấn, tải trọng kéo theo là 21,7 tấn. Những người am hiểu chuyên môn cho rằng mục đích của việc thu phí cầu đường là thu lại một phần kinh phí mà nhà nước đã bỏ ra tu sửa hư hỏng cầu đường do sức nặng của các loại phương tiện gây ra. Trong trường hợp xe 30L-9059, nếu chỉ áp dụng mức phí dưới 10 tấn cho đầu kéo mà không tính tới trọng lượng của rơ-moóc kéo theo là không hợp lý. Trong trường hợp nếu xe 30L-9059 không kéo rơ-moóc thì có thể áp dụng mức thu 22.000 đồng/lượt như một số trạm thu phí đã làm. Còn nếu kéo theo rơ-moóc thì phải căn cứ vào cà vẹt xe, vì đây là căn cứ pháp lý đầu tiên đối với mỗi loại phương tiện.
Cũng cần nói thêm rằng, sau khi làm việc với lãnh đạo Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, tài xế Nguyễn Long Chương đã chấp nhận mua vé cầu đường tại trạm thu phí Bàn Thạch với mức 80.000 đồng/lượt.
Vấn đề còn lại là ngành Giao thông – Vận tải cần thống nhất mức thu phí ở tất cả các trạm, văn bản hướng dẫn cần rõ ràng, tránh kiểu vận dụng mỗi nơi mỗi cách gây thắc mắc trong dân.
HOÀI TRUNG