Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, cục đã yêu cầu các đơn vị trong ngành phối hợp với chính quyền địa phương và cảnh sát tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm để ngăn chặn nạn “cơm tù” đang có nguy cơ tái xuất hiện.
Theo ông Thanh, nạn “cơm tù”, “nhốt khách” đã bị các cơ quan chức năng dẹp bỏ từ khoảng 1-2 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dọc quốc lộ 1A lại xảy ra nạn “cơm tù”, chủ yếu tại khu quản lý đường bộ IV, khu quản lý đường bộ V (thuộc địa phận miền Trung), làm mất trật tự trị an và gây bức xúc trong dư luận. Cục ĐBVN cho rằng, để có thể xử lý triệt để các quán “cơm tù” thì việc vận tải đường dài phải giao cho các doanh nghiệp lớn đảm nhận.
Những doanh nghiệp vận tải lớn thường ký hợp đồng với từng bến đỗ, trạm nghỉ chân và yêu cầu lái xe phải thực hiện đúng lịch trình đã ký; các dịch vụ kèm theo cũng khá tốt nên ít để xảy ra nạn “cơm tù”. Trong khi hiện nay, phần lớn các xe khách chạy liên tỉnh là của tư nhân nên lái xe tự quyết chỗ đỗ xe, giá cả dể xảy ra nạn “cơm tù”.
Nhằm xóa bỏ hoàn toàn nạn “cơm tù”, Cục ĐBVN và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang khẩn trương nghiên cứu Quy hoạch tổng thể các trạm nghỉ với chức năng chính là đảm bảo an toàn cho các phương tiện thông qua các dịch vụ sửa chữa phương tiện, sơ cứu tai nạn, dịch vụ ăn uống, vệ sinh, giới thiệu du lịch địa phương... Tập đoàn Mai Linh cũng đã lập dự án xây dựng 106 trạm nghỉ chân và Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghiệp ô tô Việt Nam phối hợp với Công ty Bảo hiểm AAA xây dựng 38 trạm nghỉ chân trên tuyến quốc lộ.
Theo TTXVN