Sáng 25-3, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm định dự án Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Về điều kiện đối với việc hiến mô, bộ phận cơ thể người sống, dự thảo Luật quy định người từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình. Đối với người đủ từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ và chỉ được hiến cho cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột của người đó. Vấn đề này còn có nhiều loại ý kiến khác nhau; đa số ý kiến lo ngại về vấn đề trẻ vị thành niên chưa đủ “độ chín” cả về thể chất lẫn tinh thần để tự quyết định được mà để người lớn quyết định thay thì cũng khó tránh khỏi bị lợi dụng. Ngoài ra còn có ý kiến đề nghị cần giới hạn tuổi đối với người già (chỉ nên đến 60) vì sức khoẻ của họ không bảo đảm sẽ tốn kém và không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, không nên khuyến khích việc tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người còn sống một cách quá rộng rãi; nhất là việc lấy thận, giác mạc là những bộ phận không thể tái tạo phục hồi được.
Vấn đề chết não được nhiều thành viên uỷ ban cho là nội dung rất quan trọng cả về chuyên môn và pháp lý. Việc quy định như trong dự án Luật này còn chung chung, cần thể hiện cụ thể tiêu chuẩn chết não về lâm sàng, thời gian và xét nghiệm. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, vì nạn nhân tim còn đập nên thân quyến khó chấp nhận cho ngưng mọi biện pháp hồi sức, thở, truyền… Chính vì vậy mà cần có những quy định pháp lý rõ ràng thì các bác sĩ mới có thể thực thi được và tránh các khiếu kiện về sau.
(VOV)