Những sai phạm trong quá trình điều tra, xét xử án hình sự của các cơ quan tố tụng nếu không được uốn nắn, sửa chữa, khắc phục kịp thời thì dễ dàng mắc những sai phạm nghiêm trọng hơn, gây ra hậu quả khôn lường. Trong thời gian đến, trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử thì cần có giải pháp để hạn chế án bị hủy. Đây cũng là chủ đề hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại”, do Viện KSND tỉnh vừa tổ chức.
Chú trọng công tác cán bộ
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng của Công an - TAND - Viện KSND của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố xác định giải pháp về công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu.
Đó là việc chú trọng công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nhằm lựa chọn những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá cán bộ cần phải lấy trách nhiệm, số lượng và chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn, ý thức kỷ luật nghiệp vụ làm thước đo chủ yếu.
Cương quyết điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu hoặc không tái bổ nhiệm chức danh tư pháp và chức vụ lãnh đạo khi để xảy ra tình trạng án bị hủy để điều tra, xét xử lại quá nhiều. Đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật”, đáp ứng công cuộc cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Theo Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Hòa Phan Đình Khương, để hạn chế thấp nhất án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại thì cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiểm sát viên nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khả năng áp dụng pháp luật.
Trong đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức như: bồi dưỡng chuyên sâu về công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, kỹ năng xây dựng cáo trạng, luận tội, tranh tụng, kỹ năng đối đáp tại phiên tòa.
Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự; phân công các kiểm sát viên có kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ các kiểm sát viên trẻ để họ tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tác và kiểm sát xét xử.
Thượng tá Võ Duy Tuấn, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho rằng để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, hạn chế việc TAND hủy án để điều tra lại thì cần chú trọng nâng cao trình độ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nhằm phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong phối hợp thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định pháp luật.
Nâng cao hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng
Theo ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thực tiễn cho thấy đa phần các vụ án mà tòa tuyên hủy để điều tra, xét xử lại đều có nguyên nhân từ những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu… Trong đó kiểm sát viên là người chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động điều tra và sử dụng tài liệu, chứng cứ để xử lý vụ án và bị can. Do vậy, để hạn chế hủy án, thời gian đến, Viện KSND tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao nghiệp vụ.
Viện KSND các cấp phải coi trọng hoạt động nghiệp vụ, xem đây là yêu cầu bắt buộc, thể hiện trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Trong giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, nếu nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót mà có thể bổ sung được thì cấp phúc thẩm cần thực hiện việc xác minh hoặc yêu cầu Viện KSND địa phương đó tiến hành xác minh bổ sung để tiếp tục giải quyết vụ án mà không cần phải hủy án để điều tra lại…
Mặt khác cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong ngành và phối hợp liên ngành; tăng cường kiểm tra nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong thỉnh thị và trả lời thỉnh thị; tổng kết thực tiễn, thông báo rút kinh nghiệm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra vi phạm…
Pháp luật quy định, tòa phúc thẩm chỉ có thể hủy án sơ thẩm để điều tra lại nếu việc điều tra không đầy đủ mà tòa phúc thẩm không thể khắc phục được hay hủy án để xét xử lại khi cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy, để hạn chế hủy án, cũng như nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, theo Chánh án TAND tỉnh Phạm Tấn Hoàng, TAND hai cấp cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản như: khắc phục triệt để những sai sót, tồn tại trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán và HĐXX.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm đội ngũ thẩm phán. Thẩm phán nào có án bị hủy, cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trong xét xử vụ án hình sự, thẩm phán và HĐXX cần áp dụng đúng, đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo; hạn chế cho bị cáo phạm tội tham nhũng hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
“Đối với những vụ án hình sự có tính chất phức tạp, nhiều đương sự tham gia, nhiều quan điểm khác nhau hoặc pháp luật quy định, điều chỉnh chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể thì TAND cấp huyện cần chủ động trong việc xin ý kiến của Ủy ban Thẩm phán hoặc các tòa chuyên trách của TAND cấp tỉnh, cũng như chủ động phối hợp với Viện KSND thông qua các cuộc họp liên ngành để thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật.
Qua đó, hạn chế việc giải quyết vụ án theo cảm tính, nhận định chủ quan của thẩm phán dẫn đến án bị hủy, sửa. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm với những sai sót đã mắc phải; công tác thi đua, khen thưởng cũng như xử lý sai phạm phải đi vào chiều sâu, có tác dụng động viên, uốn nắn kịp thời. Chỉ có như thế, năng lực của thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân mới được nâng cao, tinh thần trách nhiệm được củng cố và hạn chế thấp nhất những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra”, Chánh án Phạm Tấn Hoàng phân tích thêm.
Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công an tỉnh thì cho rằng, để hạn chế thấp nhất án hình sự bị hủy thì cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong tiến hành tố tụng, thực hiện đúng chức trách của người tiến hành tố tụng trong chỉ đạo, tổ chức, điều tra giải quyết án. Về trách nhiệm của lực lượng công an trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động điều tra của công an các địa phương, đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi phạm tố tụng trong điều tra các vụ án để kịp thời khắc phục, bảo đảm cho hồ sơ truy tố đúng pháp luật…
“Để hạn chế án hình sự cần phải tăng cường trách nhiệm trong hoạt động tố tụng; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định của pháp luật. Bởi trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ pháp luật mới đánh giá thận trọng, đầy đủ, khách quan toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; không được bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”, ông Võ Nguyên Tùng, Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh phân tích.
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại”, do Viện KSND tỉnh tổ chức, các đại biểu đại diện cho Viện KSND-TAND-CQĐT tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố đề nghị Viện KSND Tối cao phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành những văn bản hướng dẫn pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các vấn đề liên quan đến giải quyết án hình sự. Thường xuyên hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong tất cả lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự để các địa phương thuận lợi trong việc áp dụng luật. Đồng thời đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn về những vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự nhận thức thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án hình sự.
6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 3.674 vụ án các loại, giải quyết 1.064 vụ, đạt 44%. So với cùng kỳ năm trước, án thụ lý tăng 452 vụ. Về chất lượng xét xử, số án bị hủy do nguyên nhân chủ quan có 16,5 vụ, chiếm 1%; số án bị hủy do nguyên nhân chủ quan 13 vụ, chiếm 0,8%. Tỉ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với cùng kỳ năm trước và đều dưới mức quy định của TAND Tối cao. |
VĂN TÀI