Thứ Hai, 21/10/2024 05:12 SA
Tìm giải pháp hạn chế tình trạng hủy án hình sự
Bài 2: Nguyên nhân từ đâu?
Thứ Năm, 13/09/2018 11:00 SA

Vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến Võ Đình Tuấn xảy ra ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa vào năm 2008, bị hủy nhiều lần do nhận thức pháp luật của các cơ quan tố tụng phần hình phạt khác nhau - Ảnh: VĂN TÀI

Hủy án là do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, do hệ thống pháp luật liên quan chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và nhiều bất cập, còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động điều tra, xét xử của cơ quan chức năng. Công tác phối hợp liên ngành của một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến việc hủy án đề điều tra, xét xử lại.

 

Chủ yếu ở cấp huyện

 

Theo ông Nguyễn Quang Hiển (Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hủy án hình sự, như: phát sinh tình tiết, chứng cứ mới dẫn đến thay đổi một phần hay toàn bộ bản chất vụ án; thu thập chứng cứ không đầy đủ hoặc không đúng quy định của pháp luật…

 

Bên cạnh đó, vẫn còn những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác giải quyết từng án, đã được rút kinh nghiệm nhiều lần nhưng chậm được khắc phục. Trong đó có việc để hồ sơ quá hạn luật định; trong quá trình lập hồ sơ các vụ, việc sửa, hủy án của tòa án cấp phúc thẩm đối với bản án; quyết định sơ thẩm còn thiếu thuyết phục, sai sót trong việc viết bản án; việc ra quyết định tiếp tục tạm giam đối với các bị cáo đang bị tạm giam nhưng đã hết thời hạn tạm giam chưa kịp thời; nhiều trường hợp cho hưởng án treo không đúng; áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt không đúng quy định của pháp luật.

 

Còn theo phân tích của thượng tá Võ Duy Tuấn, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh: Hầu hết các án bị hủy để điều tra lại đều có căn cứ pháp luật và do thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, chủ yếu là ở cấp huyện. Về khách quan thì tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi, tìm mọi cách che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

 

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, một số quy định chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Mặt khác, công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng với yêu cầu để giải quyết vụ án, kết luận giám định nhiều vụ còn chung chung, không xác định thiệt hại nên mỗi cơ quan tư pháp có cách hiểu, đánh giá kết quả giám định khác nhau, nhất là các vụ liên quan đến lâm nghiệp, đất đai, tài chính…

 

Điển hình, vụ hủy hoại rừng xảy ra vào tháng 3/2011 tại khoảnh 6, tiểu khu 220 ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), do kết luận giám định của giám định viên Sở NN-PTNT tỉnh không rõ ràng, cụ thể dẫn đến tòa hủy án và trả điều tra nhiều lần.

 

“Tuy nhiên, một phần dẫn đến nguyên nhân án bị hủy để điều tra, xét xử lại có lỗi chủ quan, thiếu sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, chất lượng công tác lập hồ sơ một số vụ án chưa đảm bảo, còn thiếu sót trong thu thập tài liệu, chứng cứ. Một số điều tra viên, cán bộ điều tra ở cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác điều tra xử lý tội phạm.

 

Song song với đó, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra - Viện KSND-TAND cùng cấp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giải quyết án hình sự chưa thường xuyên để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc.

 

Một số vụ án do nhận thức pháp luật của các cơ quan tố tụng còn khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ, tài liệu… dẫn đến không đảm bảo cho công tác xét xử nên phải hủy án để điều tra, xét xử lại”, thượng tá Tuấn chia sẻ.

 

Trong khi đó, theo thẩm phán Võ Nguyên Tùng (Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh) những năm qua, trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ án hình sự bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa tuy có giảm nhưng chưa bền vững và chưa đồng đều ở các đơn vị.

 

Nguyên nhân chủ quan án bị hủy là do cấp sơ thẩm điều ra vụ án chưa đầy đủ, bỏ lọt người phạm tội và tội phạm. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như thành phần HĐXX không đúng quy định, xét xử người chưa thành niên không có hội thẩm nhân dân là giáo viên, đoàn viên; bị can, bị cáo không có người bào chữa, trong khi những trường hợp này bắt buộc phải có người bào chữa hoặc cấp sơ thẩm cho hưởng án treo không đúng…

 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã điều tra không đầy đủ, bỏ lọt tội phạm, quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát viên thụ lý vụ án không phát hiện những sai sót để khắc phục. Tòa án cấp sơ thẩm trước và trong xét xử cũng không phát hiện, làm rõ những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố vụ án.

 

Những cơ quan chịu trách nhiệm

 

Theo ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, các vụ án bị tòa cấp trên tuyên hủy để điều tra, xét xử lại thuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng ở các mức độ vi phạm khác nhau. Việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện KSND trong việc tìm ra nguyên nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hủy án hình sự là rất quan trọng.

 

“Trong tố tụng hình sự, cơ quan điều tra chịu trách nhiệm chính việc tiếp nhận, giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, thực hiện việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ. Do đó, án hình sự tòa tuyên hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo cơ quan điều tra và các điều tra viên thụ lý vụ án. Mặt khác, quá trình lập hồ sơ vụ án còn nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến chứng cứ không đầy đủ, số vụ phải hủy để điều tra lại, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng đến tính đúng đắn, nghiêm minh của hoạt động tố tụng hình sự”, ông Hưng nói.

 

Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng án hình sự bị hủy còn có trách nhiệm trực tiếp của hội đồng xét xử, mà trước hết là thẩm phán - người đóng vai trò chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, Viện KSND là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng như đã nêu trên và tòa án cùng cấp cũng chịu một phần liên quan. Bởi lẽ, trong tố tụng hình sự, Viện KSND là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong toàn bộ hoạt động của tố tụng hình sự.

 

Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, qua nghiên cứu 34 bản án cấp phúc thẩm và 5 quyết định giám định thẩm hủy án để điều tra hoặc xét xử lại có rất nhiều sai phạm, nguyên nhân dẫn đến án hủy chủ yếu là do điều tra viên thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ lọt tội phạm, chứng minh thiệt hại chưa chính xác.

 

Các phòng và Viện KSND cấp huyện, thị xã, thành phố có số vụ án bị hủy để điều tra, xét xử lại gồm: Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế, chức vụ và tham nhũng bị hủy 3 vụ/22 bị cáo; Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự bị hủy 5 vụ/7 bị cáo; Viện KSND TP Tuy Hòa bị hủy 5 vụ án/8 bị cáo; Viện KSND huyện Tuy An 7 vụ/7 bị cáo; Viện KSND huyện Sơn Hòa 5 vụ/ 9 bị cáo; Viện KSND huyện Đồng Xuân 1 vụ/2 bị cáo; Viện KSND huyện Phú Hòa 6 vụ/14 bị cáo; Viện KSND huyện Đông Hòa 2 vụ/ 2 bị cáo và Viện KSND huyện Sông Hinh 1 vụ/2 bị cáo.

 

6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp ở Phú Yên đã trả hồ sơ Viện KSND điều tra, bổ sung 15 vụ/42 bị cáo. Trong đó, Viện KSND hai cấp chấp nhận 14 vụ/41 bị cáo, chiếm 93,4%; không chấp nhận 1 vụ/1 bị cáo, chiếm 6,7%”.

 

(Nguồn: TAND tỉnh)

 

Bài cuối: Ý kiến người trong cuộc

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek