Chủ Nhật, 19/01/2025 19:38 CH
Tìm giải pháp hạn chế tình trạng hủy án hình sự:
BÀI 1: Nhiều thiếu sót trong tố tụng
Thứ Tư, 12/09/2018 14:00 CH

Bị cáo Phạm Xuân Trình và các đồng phạm đưa ra xét xử về tội hủy hoại rừng ở xã Phú Mỡ - Ảnh: VĂN TÀI

Khi một bản án bị hủy, hậu quả để lại không đơn thuần mất thời gian điều tra, xét xử lại, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào cán cân công lý và những người cầm cân nảy mực. Do vậy, để hạn chế hủy án hình sự cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. 

 

Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, số lượng án hình sự bị hủy, bị sửa vẫn còn nhiều do việc điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, vi phạm giới hạn xét xử, vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường, giám định không đúng, không đầy đủ theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự.

 

Vi phạm trong khám nghiệm hiện trường

 

Vào lúc 22 giờ ngày 22/2/2013, Lê Minh Hữu điều khiển mô tô 78H1-1045 lưu hành theo hướng đông tây, đi từ xã An Ninh Tây đến xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Khi đến Km 07+97 đường đến thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông) thì xe Hữu va chạm vào phần đuôi mô tô 78H3-0609, do Đinh Trọng Thái điều khiển lưu hành cùng chiều.

 

Sau khi va chạm, Thái điều khiển mô tô vào lề đường theo hướng di chuyển và bị ngã nghiêng, còn Hữu tiếp tục điều khiển mô tô chạy về phía trước thì bị mô tô 78H1-057.50 do Nguyễn Ton điều khiển lưu hành ngược chiều tông vào. Hậu quả, Hữu chết tại chỗ.

 

Sau khi tai nạn xảy ra, mô tô 78H1-057.50 của Ton để lại hiện trường, nhưng hồ sơ và biên bản khám nghiệm hiện trường chỉ có xe của Hữu, không xác định vị trí xe của Ton tại hiện trường. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm, do thiếu sót của cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Tuy An trong việc thu giữ các vật chứng, dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn nên không xác định giữa mô tô của Ton và của Hữu có va chạm hay không, điểm va chạm nằm ở đâu?

 

Bên cạnh đó, sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Tuy An cũng không tiến hành thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường nên tại hồ sơ vụ án, ngoài lời khai chạy lấn đường của Ton và một số nhân chứng thì không có tài liệu nào chứng minh được vị trí va chạm.

 

Trong khi đó, bản án sơ thẩm của TAND huyện Tuy An nhận định Ton chạy lấn sang phần đường bên trái, gây tai nạn, nhưng lại không xác định lấn bao nhiêu? Vì vậy, Ton kháng cáo kêu oan lên cấp phúc thẩm, đồng thời thay đổi lời khai là xe của Ton không va chạm với xe của Hữu. Do đó, từ những vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thực nghiệm điều tra của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không đủ căn cứ để xác định Ton phạm tội, nên phải hủy án để điều tra lại.

 

Tượng tự vụ án trên, mới đây, TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Sơn Hòa đối với bị cáo Trương Văn Hào về tội vi phạm quy định trong điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cấp phúc thẩm hủy án là do tại biên bản khám nghiệm hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi xác định trên nền đường và quần áo, cơ thể bị hại có một số dấu vết hình dạng vân lốp xe ô tô. Tuy nhiên, hội đồng khám nghiệm không thu giữ để trưng cầu giám định xác định có phải là vân lốp do xe của bị cáo Trương Văn Hào gây ra đối với bị hại hay không?

 

Đến bỏ lọt tội

 

Theo khảo sát của Viện KSND tỉnh, việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội khá phổ biến trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, do các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ không đúng, không đầy đủ, toàn diện. Điển hình là vụ án Nguyễn Anh Hào (huyện Sơn Hòa) cùng đồng phạm phạm tội cố ý gây thương tích. Trong vụ án này, Nguyễn Anh Hào, Bùi Duy Hiển, Hồ Ngọc Dũng… có hành vi dùng đá đánh anh Nguyễn Minh Hoan gây thương tích 13%; Bùi Duy Lân cùng với Hào còn dùng tay, chân đánh anh Nguyễn Trọng Điện gây thương tích 13%.

 

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng ở huyện Sơn Hòa chỉ khởi tố, điều tra, truy tố xét xử Hào, Hiển, Dũng và cho rằng Bùi Duy Lân không tham gia cùng các bị cáo đánh các bị hại nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, các bị hại và nhân chứng đều xác định Lân có tham gia cùng với những người khác đánh anh Nguyễn Trọng Điện gây thương tích. Do đó, cấp phúc thẩm nhận định việc không khởi tố bị can, xử lý đối với Lân là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

 

Hay như vụ Phạm Xuân Trình và đồng phạm bị TAND tỉnh xét xử về tội hủy hoại rừng xảy ra ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), bị Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Sau khi kháng nghị, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng xác định: Việc các bị cáo phá rừng xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của một số cán bộ địa phương và đã đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nên hủy án sơ thẩm để điều tra lại…

 

Ngoài ra, còn nhiều vụ án bị hủy do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội mà cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử trong thời gian qua, như vụ Võ Văn Đinh Hùng và đồng phạm bị TAND huyện Sơn Hòa xét xử về tội hủy hoại rừng; vụ Tô Thị Điệp phạm tội cố ý gây thương tích; vụ Võ Văn Bổn trộm cắp tài sản…

 

Và “thương tích một nơi, giám định một nẻo…”

 

Theo quy định, việc giám định xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại là do cơ quan chức năng giám định thực hiện theo Thông tư 20/2014 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhất định các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét kết luận của các cơ quan giám định có phù hợp với thông tư này hay không để làm căn cứ giải quyết vụ án. Thế nhưng, việc áp dụng này không thống nhất nên thường dẫn đến vi phạm về giám định thương tật…

 

Đơn cử như vụ Phạm Văn Vương và các đồng phạm bị TAND huyện Tuy An xét xử về tội cố ý gây thương tích. Theo quy định tại mục 1, phần 3, chương 2 của Thông tư 20/2014 của Bộ Y tế chỉ quy định đánh giá ổ tổn thương não, không quy định di chứng chức năng hệ thần kinh, nhưng kết luận giám định xác định bị hại bị tổn thương xương sọ và di chứng thần kinh 31% là không đúng quy định theo thông tư này. Bên cạnh đó, chứng nhận thương tích, kết luận giám định xác định bị hại bị đánh vỡ bản trong xương sọ, nhưng không xác định là ở vị trí vòm sọ hay nền sọ hay cả hai. Vì tương ứng từng vị trí thì tỉ lệ tổn thương sức khỏe khác nhau.

 

Hay vụ Nguyễn Văn Thỏ bị TAND TX Sông Cầu xét xử về tội cố ý gây thương tích cũng là một điển hình về vi phạm trong công tác giám định. Theo hồ sơ vụ án, giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định xác định bị hại Phan Thanh Diên bị vỡ lún sọ trái, tụ máu xoang hàm trái, gãy cung tiếp gò má trái. Thế nhưng, kết luận giám định lại xác định bị hại Diên bị vỡ xương sọ trái, gãy cánh lớn xương bướm bên trái, gãy xương gò má trái là không phù hợp giữa chứng nhận thương tích và kết luận giám định.

 

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, những sai sót trong việc giám định thương tật thuộc về trách nhiệm của các cơ quan giám định pháp y. Tuy nhiên, nếu không được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm phát hiện để trưng cầu giám định lại hoặc yêu cầu các cơ quan y tế và tổ chức giám định làm rõ trước khi kết luận điều tra thì phải hủy án để điều tra lại. Đó là chưa kể dẫn đến sai phạm trong việc tuyên án nếu dựa vào kết luận chưa chính xác với “thương tích một nơi, giám định một nẻo” để lượng hình phạt cho bị cáo…

 

Từ tháng 12/2015-5/2018, TAND cấp tỉnh tuyên hủy án sơ thẩm, với 54 bị cáo để điều tra, xét xử lại; hủy và đình chỉ 1 vụ án/1 bị cáo. Cũng trong thời gian này, TAND cấp cao phúc thẩm, hủy án sơ thẩm của cấp tỉnh 3 vụ/22 bị cáo; TAND cấp cao giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại 5 vụ/ 6 bị cáo. Các vụ án bị hủy do vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thực nghiệm điều tra, vi phạm về giám định, vi phạm trong việc lấy lời khai, đối chất; không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án; việc điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội, người phạm tội và các tình tiết khách quan của vụ án; vi phạm giới hạn xét xử; vi phạm trong việc xác định tội danh, xét xử hành vi không cấu thành tội phạm; bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; xác định sai khung hình phạt, cho hưởng án treo không đúng…

 

(Nguồn: Viện KSND tỉnh)

 

Bài 2: Nguyên nhân từ đâu?

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek