Trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy không phải là một điểm nóng về tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại, nhưng tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn ngang nhiên diễn ra.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn nhằm che mắt sự phát hiện, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Một số đối tượng sử dụng xe thùng hai đáy để cất giấu hàng hoá. Có đối tượng sử dụng biển số giả để vận chuyển lâm sản trái phép từ các huyện miền núi của tỉnh và những địa bàn giáp ranh của tỉnh bạn về Phú Yên. Các mặt hàng chủ yếu mà đối tượng buôn chuyến thường vận chuyển là thuốc lá ngoại, hàng điện tử, vải sợi, rượu ngoại… Các đối tượng này vận chuyển bằng cách chia nhỏ hàng hoá gửi đi nhiều xe để vận chuyển. Trước tình hình đó, nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 883/TTg của Thủ tướng Chính phủ - và kế hoạch của Bộ Công an về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Giám đốc công an tỉnh Phú Yên đã lên kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Các lực lượng công an Phú Yên đã phối hợp với các ngành chức năng như kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, khoa học công nghệ phân công lực lượng tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra các doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh. Năm 2005, công an tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, bắt giữ 38 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, tài sản thu giữ gần 60m3 gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 7; 840 kg động vật hoang dã, hơn 24.000 gói thuốc lá ngoại, 7 xe ôtô, 5 xe mô tô, điều tra làm rõ 2 cơ quan kinh doanh trốn thuế với số tiền trên 420 triệu đồng. Tổng số tài sản thu giữ trị giá trên 200 triệu đồng. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an tỉnh đã điều tra làm rõ, chuyển ngành chức năng xử lý hành chính 34 vụ, 20 đối tượng, phạt hành chính khoảng 160 triệu đồng, điều tra xử lý hình sự 4 vụ, 5 đối tượng. Điển hình là vụ phát hiện xử lý lái xe Hoàng Minh Thanh sinh năm 1983 trú ở phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sử dụng xe ô tô IFA biển số 36L-8396 vận chuyển hơn 7m3 gỗ nhóm 3 không có giấy tờ hợp pháp từ Khánh Hoà đi Bình Định tiêu thụ; Vụ kiểm tra bắt giữ chiếc xe ôtô khách biển số 53N-4309 do lái xe Nguyễn Văn Tánh sinh năm 1952 trú ở phường 12, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển 6.700 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Chủ hàng là Trương Thị Chút sinh năm 1968 ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, công an tỉnh còn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh, ngành y tế tham gia đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến, kinh doanh thực phẩm, mặt hàng ăn uống, nước giải khát, mỹ phẩm, bột ngọt… kịp thời tham mưu các cơ quan chức năng chấn chỉnh sai phạm của các cơ sở nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Vì sự ổn định của thị trường, vì sức khoẻ của người tiêu dùng, các cấp các ngành và mọi người dân cần tham gia tích cực vào công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; các ngành chức năng cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh số đối tượng vì lợi nhuận xem thường tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng.