Ông Nguyễn Ngọc K, trú TP Tuy Hòa hỏi: Tôi là cổ đông có sở hữu trên 10% tổng số cổ phần của công ty. Hiện nay, tôi phát hiện Hội đồng quản trị công ty có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông. Trong trường hợp này, tôi có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường hay không? Nếu Hội đồng quản trị không chịu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu thì tôi phải làm như thế nào? Ngoài ra, nếu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra theo yêu cầu nhưng chủ tọa dự định dừng họp giữa chừng (nếu không bằng lòng với diễn biến cuộc họp), thì sẽ giải quyết như thế nào?
Trả lời: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nếu ông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty, thì ông có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.
1- Trường hợp điều lệ công ty không quy định thời hạn thì Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của ông. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông như quy định thì chủ tịch Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty.
2- Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định, thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông như quy định thì trưởng ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty.
3- Trường hợp ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì ông có quyền thay thế Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp này, ông có thể đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh giám sát việc triệu tập và tiến hành họp nếu xét thấy cần thiết. Chi phí cho việc triệu tập và tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được công ty hoàn lại.
Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định: Chủ tọa có quyền hoãn cuộp họp Đại hội đồng cổ đông đã có đủ số người đăng ký dự họp theo quy định đến một thời điểm khác trong các trường hợp sau đây: Địa điểm họp không có đủ chỗ ngồi thuận tiện cho tất cả người dự họp; có người dự họp có hành vi cản trở, gây rối trật tự, có nguy cơ làm cho cuộc họp không được tiến hành một cách công bằng và họp pháp. Thời gian hoãn tối đa không quá 3 ngày kể từ ngày cuộc họp dự định khai mạc. Trường hợp chủ tọa hoãn hoặc tạm dừng họp Đại hội đồng cổ đông trái với quy định này, Đại hội đồng cổ đông bầu một người khác trong những người dự họp để thay thế chủ tọa điều hành cuộc họp cho đến lúc kết thúc và hiệu lực các biểu quyết tại cuộc họp đó không bị ảnh hưởng.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG