Dư luận đang xôn xao về chuyện một cảnh sát giao thông Công an huyện Sông Hinh liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 6m3 gỗ hương, bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Thực ra, thời gian qua, nhiều người dân ở Sông Hinh đã bất bình trước những “đặc quyền” trong kinh doanh của đại úy này.
Xưởng mộc cạnh nhà ông Tuấn. - Ảnh: P.V
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ đại uý Nguyễn Văn Tuấn, Đội phó đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Sông Hinh, liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 6m3 gỗ hương bị lực lượng chức năng xã Ea Lâm (Sông Hinh) bắt quả tang ngày 1/9 (Báo Phú Yên đã có tin, bài phản ánh). Thực ra, thời gian qua, dư luận ở huyện Sông Hinh đã tỏ ra rất bức xúc trước sự lợi dụng sắc áo cảnh phục để “tác oai” trong làm ăn, kinh doanh của ông Tuấn.
NHỮNG CHIẾC “XE VUA”
Một trong những chiếc “xe ma” của ông Nguyễn Văn Tuấn
Lâu nay, giới tài xế, kinh doanh vận tải, mua bán sắn mì ở Sông Hinh và các xã lân cận thuộc huyện Tây Hòa ai cũng phải “khiếp sợ” trước sự hoành hành của ba chiếc xe tải mang các biển kiểm soát 78K-4197, 78K-3204 và 78K-3724. Hỏi bất cứ tài xế nào ở Sông Hinh, họ cũng cho biết đó là những chiếc xe tải của gia đình ông đội phó Đội CSGT Công an huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Tuấn. Ông T, một người chuyên mua bán sắn mì với Nhà máy tinh bột sắn của Công ty Cổ phần tinh bột sắn FOCOCEV tại huyện Sông Hinh, kể: “Mỗi khi bán sắn cho nhà máy, chúng tôi phải lấy phiếu thứ tự và phải nằm vật vờ chờ đợi vài ba ngày mới được nhập sắn vào nhà máy. Nhưng với những chiếc xe của “sếp” Tuấn thì khác, không cần lấy số thứ tự, cứ đến là hiên ngang chở sắn chạy thẳng vào nhà máy”. Nhiều tài xế và những người kinh doanh sắn cho biết do phải chờ đợi lâu, sắn của họ thường bị khô, xâm kim, hư hỏng nên chất lượng kém. Trong khi đó, sắn do các xe của gia đình ông Tuấn vận chuyển không phải chờ đợi nên chất lượng không ảnh hưởng. Do đó, ai muốn bán sắn được mau, chất lượng tốt thì phải do các xe của gia đình ông Tuấn “bao thầu” vận chuyển. Chính vì thế, nhiều vụ thu hoạch sắn vừa qua, những chiếc xe tải của gia đình ông Tuấn đã “làm việc liên tục” khắp các địa phương ở Sông Hinh. Trong khi hầu hết những xe tải khác phải mất vài ngày mới vận chuyển được một chuyến sắn, thì trong một ngày mỗi chiếc xe của gia đình ông Tuấn có thể chở đến 3-4 chuyến là chuyện bình thường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc xe 78K-4197 của gia đình ông Tuấn chuyên bao thầu việc vận chuyển sắn từ rẫy của người dân về nhà máy của Công ty cổ phần tinh bột sắn FOCOCEV. Chỉ tính từ ngày 15/11/2006 (khi nhà máy đi vào hoạt động) đến ngày 16/9/2007, chiếc xe tải này đã vận chuyển 211 chuyến. Nếu tính cả chiếc xe 78K-3204, thì những chiếc xe của gia đình ông Tuấn đã vận chuyển 232 chuyến. Có những ngày xe tải 78K-4197 vận chuyển 3- 4 chuyến. Chẳng hạn, vào các ngày 15/11/2006, 18/11/2006, 25/11/2006, 24/3/2007, 8/4/2007 xe này đều nhập ba chuyến; riêng trong ngày 10/3/2007 nhập 4 chuyến. Giới kinh doanh vận tải ở Sông Hinh có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới những con số này.
Ngoài ra, hai chiếc xe tải 78K-3204 và 78K-3724 của gia đình ông Tuấn luân phiên nhau chở bã sắn và vật liệu xây dựng. Trong đó chiếc 78K- 3204 chở gỗ lậu vừa bị bắt vừa qua luôn túc trực chở bã sắn cho Doanh nghiệp tư nhân Hoà Thắng (Điện Bàn-Quảng Nam) từ nhà máy sắn Sông Hinh ra bãi phơi ở dốc buôn Nhum, xã Ea Bia. Thời gian qua, mỗi khi chiếc xe này chở bã sắn, đoạn đường từ Nhà máy tinh bột sắn đến dốc buôn Nhum luôn dơ bẩn, hôi thối, mất an toàn vì bã sắn rơi vãi đầy đường, bùn đất từ bãi phơi theo xe đưa ra. Vấn đề này nhiều cử tri huyện Sông Hinh đã bức xúc phản ánh với các cấp có chức năng, nhưng mọi việc vẫn đâu vẫn vào đấy vì những chiếc xe này là của ông sĩ quan cảnh sát giao thông huyện.
Bà Phạm Thị Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, bày tỏ: “Nhiều người dân đã bức xúc phản ánh những sự việc trên từ lâu. Tại sao trong khi nhiều người dân phải chờ đợi nhiều ngày mới bán được sắn thì những chiếc xe của gia đình ông Tuấn lại đặc quyền đặc lợi như vậy? Tôi nghĩ điều này cũng cần phải được làm rõ để có câu trả lời cho dư luận”.
Từ lâu, giới tài xế và kinh doanh vận tải ở Sông Hinh đã đặt cho những chiếc xe của gia đình ông Tuấn là “xe vua”!
GIA ĐÌNH ÔNG TUẤN CÓ KINH DOANH GỖ?
Dư luận ở Sông Hinh cho rằng việc ông Tuấn có liên quan trong vụ vận chuyển 6m3 gỗ hương bị lực lượng chức năng bắt ở xã Ea Lâm vừa qua là… không bất ngờ. Nhiều người cho biết gia đình ông Tuấn có một xưởng mộc. Sau khi vụ chuyển trái phép gỗ quý hiếm trên bị bắt quả tang, xưởng mộc bỗng “im bặt” khác thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xưởng mộc mà dư luận phản ánh nằm cạnh nhà ông Tuấn.
Ngày 21/9, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Hà Trọng Khâm, Khu phố trưởng khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh - nơi ông Tuấn đang cư trú và có một xưởng mộc theo phản ánh. Lúc đầu, ông Khâm khẳng định với chúng tôi xưởng mộc trên là của gia đình ông Tuấn. Tuy nhiên, sau đó ông Khâm tỏ ra e ngại, nói rằng: “Xưởng mộc này hoạt động đã hơn một năm nhưng do chưa nắm bắt nên không biết của ai” (!?). Lạ hơn nữa là, cũng theo lời ông Khâm, hơn một năm nay các cơ quan chức năng chưa hề kiểm tra xưởng mộc này lần nào, trong khi các xưởng mộâc khác trên địa bàn đều được quản lý, kiểm tra và ông trưởng thôn cũng nắm rất rõ!
DƯ LUẬN NÓI GÌ? *Bà Phạm Thị Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh: XỬ LÝ NGHIÊM MỚI LẤY LẠI LÒNG TIN CỦA NHÂN DÂN Thật xót xa khi một cán bộ đang thi hành pháp luật như ông Nguyễn Văn Tuấn lại liên quan đến vụ vận chuyển trái phép gỗ quý hiếm. Tôi đã nghe dư luận rằng, đây không phải là lần đầu ông Tuấn tham gia vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, mãi đến nay các cơ quan chức năng mới phát hiện. Nhiều người cho rằng từ lâu đã hình thành đường dây vận chuyển gỗ lậu nhưng các cơ quan chức năng chưa phát hiện. Dư luận trong quần chúng nhân dân rất bất bình trước việc làm trái pháp luật của ông Tuấn. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần sớm làm sáng tỏ vụ việc và có kết luận, có xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Đối với những người có chức có quyền mà vi phạm thì phải xử lý nghiêm, có vậy mới giáo dục nhân dân được, làm dân tin tưởng vào chính quyền được. *Ông Vũ Đức Nhật, cán bộ hưu trí ở khu phố 7, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh: “NẾU KHÔNG XỬ LÝ KIÊN QUYẾT, KHÓ NGĂN CHẶN NẠN PHÁ RỪNG” Theo tôi, việc chính quyền xã Ea Lâm kiên quyết xử lý vụ việc này là nhằm bảo vệ rừng, đồng thời đấu tranh tiêu cực đối với một bộ phận nhỏ cán bộ Nhà nước lợi dụng chức trách để trục lợi. Qua theo dõi vụ việc này, tôi thấy Huyện ủy, UBND huyện Sông Hinh và Công an tỉnh Phú Yên đã tỏ rõ thái độ kiên quyết xử lý những cá nhân vi phạm. Tôi đề nghị pháp luật phải xử lý nghiêm khắc, nếu không thì khó mà ngăn chặn được nạn phá rừng.
NHÓM PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA