Chủ Nhật, 29/09/2024 14:24 CH
Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy phải trở thành nếp sống văn hóa
Thứ Năm, 20/09/2007 14:00 CH

Từ năm 2000, chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy đã được đặt ra. Lúc bấy giờ nói là “thí điểm” ở một số thành phố lớn, rồi “tiến lên” bắt buộc khi tham gia giao thông trên một số đường lớn do ngành chức năng quy định. Báo chí lên tiếng rôm rả, khen cũng nhiều, khuyến khích thật sự nồng nàn; chê cũng lắm, đủ kiểu bài xích: nào “nồi cơm điện”, nào “người ngoài hành tinh”.

 

070919-giao-thong-5.jpg

Nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy ở TP Tuy Hòa đã đội mũ bảo hiểm - Ảnh: MINH KÝ

 

Thế nhưng, những con số thống kê cho thấy, tình trạng vi phạm luật giao thông ngày càng gia tăng, số vụ tai nạn do người đi  môtô, xe máy gây ra và tai nạn cho người đi môtô, xe máy tăng lên từng ngày. Trong đó, số bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời trở thành gánh nặng cho gia đình người bị nạn và xã hội đáng lưu tâm nhất. Và để bảo hiểm cho sọ não khi không may gặp tai nạn, không gì tốt hơn là phải đội mũ bảo hiểm.

 

Chính phủ đã đưa việc đội mũ bảo hiểm thành một giải pháp bắt buộc trong bảy giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông trong một nghị quyết mà có lẽ trong những ngày qua được nhắc đến nhiều nhất.

 

Để có thời gian chuẩn bị cả về vật chất (mũ bảo hiểm), và tinh thần (ý thức, thái độ) cho người dân, Nghị quyết 32/2007-NQ/CP quy định việc đội mũ bảo hiểm cũng dần dần từng bước: Từ 15/9, người đi môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ; đến 15/12/2007 thì đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường. Tuy nhiên, do sự bức xúc của vấn đề và để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ một cách tích cực, một số địa phương cũng như Tổng Liên đoàn lao động, Trung ương Đoàn thanh niên... đã ra chỉ thị yêu cầu lực lượng cán bộ viên chức, đoàn viên...phải gương mẫu chấp hành Nghị quyết 32/ CP từ 15/9, có nơi sớm hơn, từ 1/9. Các phương tiện thông tin đại chúng đã dành một thời lượng không nhỏ cho việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm.

 

Những ngày qua đi trên các đường phố Tuy Hòa một không khí mới tràn khắp làm cho thành phố như quy củ hơn, kỷ cương hơn, đó là dòng người đi xe máy, môtô đội mũ bảo hiểm đã nhiều hơn những người còn “phơi đầu trần”.

 

ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN KHÔNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM SẼ BỊ KỶ LUẬT

 

Tỉnh Đoàn Phú Yên vừa có công văn yêu cầu tất cả đoàn viên thanh niên gương mẫu chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Tổ chức Đoàn, Hội thanh niên các cấp phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi, kiểm tra, có hình thức kiểm điểm, giáo dục kịp thời đối với các đoàn viên, thanh niên vi phạm, xem đây là tiêu chí đánh giá xếp loại đoàn viên, hội viên hàng năm. Nếu là cán bộ đoàn hoặc đoàn viên, thanh niên khối cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang vi phạm thì báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức kỷ luật.    

LỆ VĂN

Điều đáng biểu dương là một số cơ quan đã vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động, vừa đề cao tính kỷ luật yêu cầu cán bộ công chức của mình phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên tất cả các con đường. Nhiều CBVC đã tự giác chấp hành, dẫu nhà chỉ cách cơ quan vài trăm mét số nhưng vẫn đội mũ bảo hiểm khi đi làm bằng xe máy. Nhiều người không phải đội MBH để đối phó với lãnh đạo cơ quan mà xem việc đội mũ như là một nếp sống, vì vậy khi đi chợ, đi chơi ... bằng xe máy cũng đội mũ bảo hiểm. Chị Lê Thị Thanh ở phường 7 cho rằng, nếu ai cũng xem đội MBH như một thói quen, một nếp sống văn hóa thì chắc chắn xã hội sẽ bớt được những tổn thất do tai nạn giao thông gây ra. Không chỉ cán bộ công chức mà nhiều người dân đã ý thức được tác dụng quan trọng của mũ bảo hiểm. Anh Phan Trọng Sáu, làm nghề thợ xây ở Phú Lâm, cho biết: “Trước đây tôi đội mũ bảo hiểm cũng thấy vướng víu không thoải mái, được mấy ngày thấy công an không quyết liệt lắm nên không đội nữa. Đầu tháng 8 vừa rồi, bạn tôi đi xe máy bị tai nạn, may nhờ có chiếc mũ bảo hiểm nên đầu chỉ bị chấn thương nhẹ”, não trạng không hề gì, trong khi người cùng bị nạn không có mũ nên bị xuất huyết não phải đi TP Hồ Chí Minh chữa trị, đến nay chưa về. Có “mục sở thị” mới ngộ được, nay tôi luôn luôn đội mũ bảo hiểm, chứ không chờ “đến ngày” theo quy định”.

 

Nhiều người vẫn còn ý này, ý nọ chưa thật thông suốt việc đội MBH. Nhưng ai cũng biết rằng, tai nạn giao thông thì đâu chỉ có ban ngày, đâu chỉ có trên đường quốc lộ. Đã có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông xảy ra cả ban ngày lẫn ban đêm, trên tất cả các tuyến đường. Có trăm lý do “bất tiện” khi đội MBH, thì cũng có ngàn dẫn chứng về những vụ tai nạn giao thông đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Cho nên việc viện dẫn lý do chỉ là ngụy biện, che giấu  sự thiếu ý thức tự giác của người đi xe máy mà thôi.

 

Mọi người cùng tự giác đội MBH khi đi xe máy. Sự tự giác lâu ngày sẽ thành thói quen. Những thói quen được duy trì lâu dài, được cộng đồng chấp nhận và thực hiện sẽ hình thành một nếp sống, một hành vi văn hóa.

 

Không ai nhận mình là người không có văn hóa.Vậy hãy thực hiện một hành vi văn hóa đang được cả cộng đồng hưởng ứng: Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy!

 

HỒ HẢI HIỀN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek