Trong tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay, các hoạt động triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách để kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT)- ùn tắc giao thông, đánh dấu một giai đoạn mới của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta. Đây là giải pháp vừa cấp bách vừa cơ bản, có tính đột phá ngăn chặn sự gia tăng TNGT.
Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy là một trong những quy định bắt buộc theo Nghị quyết 32 nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông - Ảnh: M.K
TÍNH CHẤT ĐỘT PHÁ
Nghị quyết 32 đã đưa ra bảy nhóm giải pháp gồm “những việc cần làm ngay” đối với người điều khiển phương tiện, kiểm soát chất lượng phương tiện, cải thiện cơ sở hạ tầng, trách nhiệm của người tham gia giao thông và cơ quan quản lý trật tự ATGT. Trong đó có mấy điểm nổi bật và mới so với trước đây.
Một là, bước đầu đề cao trách nhiệm cá nhân và đưa ra thời hạn cụ thể thực hiện nhiều giải pháp mạnh. Thí dụ quy định: “Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra TNGT chết người do bến đò khách hoặc đò khách không đủ điều kiện an toàn sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu TNGT gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị cách chức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Các quy định về thực hiện đội mũ bảo hiểm (MBH), giải tỏa hành lang giao thông, xử lý đường ngang trái phép, đình chỉ xe hết niên hạn và xe tự chế đều công bố rõ lộ trình hoặc ngày bắt đầu thực hiện và một số nội dung quy định thời hạn hoàn thành.
Hai là, coi trọng đúng mức giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại TNGT, đặc biệt là quy định bắt buộc đội MBH. Khi thực hiện triệt để quy định “ngồi lên xe phải đội MBH” ở mọi lúc mọi nơi, chắc chắn sẽ giảm được ngay thiệt hại về người do TNGT gây ra.
Ba là, quan tâm đúng mức đối với 22 triệu học sinh và sinh viên, thể hiện qua một số quy định: “Từ niên học 2008-2009 bắt đầu thực hiện chương trình giảng dạy trật tự ATGT mới ở tất cả các cấp học. Từ 1/9/2007 xử lý nghiêm khắc tất cả học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy”. Hoặc “Tạm giữ mô tô, xe gắn máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy”. Hiệu trưởng quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự ATGT...
Bốn là, các biện pháp cưỡng chế thi hành luật giao thông kiên quyết và đa dạng hơn. Thí dụ quy định: “Từ ngày 1/1/2008 đình chỉ lưu hành xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Hoặc “Tạm giữ mô-tô, xe gắn máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm các quy định: chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông”. Phương thức đình chỉ lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm cũng linh hoạt hơn, như tạm giữ phương tiện hoặc giấy đăng ký, biển số, sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Năm là, cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu thực hiện các quy định về trật tự ATGT.
CẦN CÓ THÊM CÁCH LÀM MỚI
Công tác trật tự ATGT là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bài học hàng đầu là bảo đảm hiệu quả và bền vững. Để thực hiện tốt Nghị quyết 32, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực này cần tránh cách làm phô trương. Ra quân rầm rộ theo kiểu “phong trào”, sau đó xẹp dần. Hoặc vào đợt “cao điểm” làm nghiêm, nhưng tháng sau hoặc quý sau tình trạng lộn xộn trở lại như cũ. Rồi bệnh chạy theo thành tích và hình thức, các hoạt động nặng về bề nổi, thống kê sai sót, “gọt dũa” con số khi báo cáo với cấp trên.
Đối với người tham gia giao thông, điều cần tránh nhất là kiểu “chấp hành đối phó”, hễ vắng cảnh sát giao thông là vi phạm tùy tiện. Mặt khác, hết sức chú trọng kết hợp tuyên truyền giáo dục và thực hiện cưỡng chế.
Văn hóa giao thông đòi hỏi người thừa hành công vụ tận tâm, đúng mực, xử phạt nghiêm minh để người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”. Từng gia đình, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làng xóm, khu dân cư và dư luận xã hội sớm hình thành nét văn hóa này, nhất định có tác dụng giáo dục rất thiết thực, bảo đảm sự bền vững của kỷ cương giao thông...
QUANG TUẤN