Thứ Tư, 27/11/2024 07:23 SA
Vụ án cố ý gây thương tích ở Phú Hòa:
Các cơ quan tố tụng chưa thống nhất nhận định “hung khí nguy hiểm”
Chủ Nhật, 12/08/2007 07:29 SA

TAND huyện Phú Hòa vừa tuyên phạt Phạm Văn Hiền (ở huyện Phú Hòa) 9 tháng tù treo về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, Viện KSND huyện này đã có quyết định kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt và không cho bị cáo được hưởng án treo. Mấu chốt vụ án này là các cơ quan tố tụng chưa thống nhất trong việc nhận định “hung khí nguy hiểm” gây án.

 

TĂNG PHÔ ĐIỆN CÓ LÀ “HUNG KHÍ NGUY HIỂM”?

 

Ngày 24/5/2006, Phạm Văn Hiền chở bao quần áo và một số tăng phô điện trên đường về nhà. Khi đi qua một đoạn đường liên thôn, Hiền làm rơi một số quần áo và tăng phô điện xuống đường. Lúc này, bà H ở gần đó nhìn thấy nên đã nhặt lấy cái tăng phô và hỏi: “Cái tăng phô là của ai đánh rơi?”. Thế nhưng, Hiền lại bảo bà H là đồ ăn cắp. Sau một hồi đôi co, bà H cầm tăng phô ném xuống ruộng gần đó. Hiền nhặt tăng phô lên, miệng vẫn tiếp tục chửi bà H là đố ăn cắp. Cả hai tiếp tục cãi vã với nhau một hồi, bà H thách đố “Có giỏi thì đánh tao đi”. Hiền dùng tăng phô điện đánh vào đầu và tay bà H, gây thương tích, làm chảy máu nhiều nên mọi người đưa bà H đi cấp cứu.

 

Tổ chức giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận bà H bị tác động bởi vật sắt gây nên chấn thương sọ não và vết thương phần mềm với tỉ lệ thương tật 14%. Hiền bị Công an huyện Phú Hòa khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích. Sau đó, Viện KSND huyện Phú Hòa truy tố Hiền về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo nhận định của Viện KSND huyện Phú Hòa: Tăng phô điện mà Hiền đã sử dụng gây thương tích cho bà H được làm bằng kim loại, dài hơn 20cm, hai đầu làm bằng sắt lá bén dễ gây sát thương. Căn cứ vào Nghị quyết 01 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Viện KSND huyện Phú Hòa xác định hành vi của Hiền phạm tội thuộc trường hợp “sử dụng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự và tỉ lệ thương tích mà Hiền gây ra cho bà H là 14%, nên áp dụng tình tiết tăng nặng ở Khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k Khoản 1, Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Hiền theo Khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự và đề nghị hội đồng xét xử phạt bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù. Hội đồng xét xử TAND huyện Phú Hòa thống nhất với Viện KSND huyện Phú Hòa là hành vi bị cáo phạm vào tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, hội đồng xét xử lại đưa ra nhận định: Tăng phô điện mà bị cáo dùng để đánh bị hại không phải là hung khí nguy hiểm nên bị cáo phạm tội ở Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Cách lý giải của tòa là tăng phô bị cáo dùng đánh bị hại thuộc loại tăng phô điện tử có trọng lượng nhẹ, không còn đầy đủ nguyên vẹn các bộ phận nên khả năng sát thương không cao và không có khả năng gây nguy hại đến tính mạng. Chính từ nhận định này, tòa tuyên Phạm Văn Hiền 9 tháng tù treo về tội cố ý gây thương tích.

 

KHÔNG THỐNG NHẤT ĐƯỢC DO LUẬT (!?)

 

Ngay sau đó, Viện KSND huyện Phú Hòa đã kháng nghị phúc thẩm bản án trên, đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng Khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự để tăng hình phạt, không cho bị cáo hưởng án treo. Điều này cho thấy, tòa án và Viện KSND huyện Phú Hòa đã không thống nhất được việc xác định tăng phô điện có phải là “hung khí nguy hiểm” trong vụ án. Hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xác định phương tiện, hung khí nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống con người trong sản xuất, sinh hoạt hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội lấy được. Nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của nạn nhân. Nghị quyết 02 ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn: “Hung khí nguy hiểm là gạch, đá, đoạn cây cứng chắc, thanh sắt…”. Do sử dụng dấu ngoặc kép (“…”), Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng mỗi cấp có cách đánh giá khác nhau về vật chứng. Điển hình trong vụ án này, Viện KSND huyện Phú Hòa cho rằng tăng phô điện là “hung khí nguy hiểm”, còn tòa lại bảo đó không phải là “hung khí nguy hiểm”. Điều đó làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

 

Theo nhận định của một số thẩm phán, luật sư ở Phú Yên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất được nhận định về hung khí nguy hiểm trong một số vụ án là do lỗi ở luật, vì luật còn quy định quá chung chung. Vì vậy, luật cần có quy định rõ ràng hơn, không nên sử dụng dấu “…” để “bắt bí” các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

NGUYỄN ĐỨC

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek