1. Về đối tượng nộp thuế
Trong dự thảo Luật, đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả cá nhân, chủ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, chủ hộ gia đình có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đang nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm sự hợp lý, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đề nghị cho ý kiến về vấn đề này.
2. Về thu nhập chịu thuế
Điều 4 của dự thảo Luật quy định các khoản thu nhập chịu thuế. Quy định như vậy đã hợp lý chưa?
3. Về thu nhập không chịu thuế
Điều 5 của dự thảo Luật quy định các khoản thu nhập không chịu thuế. Quy định như vậy đã hợp lý chưa?
4. Về khoản giảm trừ gia cảnh
Điều 18 của dự thảo Luật quy định khoản giảm trừ gia cảnh không phải tính thuế bao gồm phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế và phần giảm trừ cho người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Phần giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc bằng 40% phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế.
Về phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế, có một số loại ý kiến sau đây:
a) Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế tính theo mức trượt giá và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm cao hơn thu nhập trung bình xã hội đến thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2009 (là thời điểm dự kiến Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực) tương ứng là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) và phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (4 triệu đồng x 40%).
Ví dụ 1: Ông A là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có mức thu nhập chịu thuế là 15 triệu đồng/tháng. Ông A có 3 người phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng nên sẽ được giảm trừ một khoản không tính thuế là 8,8 triệu đồng/tháng (bao gồm phần giảm trừ cho ông A là 4 triệu đồng cộng với phần giảm trừ cho những người phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng là (4 triệu đồng x 40%) x 3 người = 4,8 triệu đồng). Như vậy, số thu nhập còn lại để tính thuế của ông A là 6,2 triệu đồng (15 triệu đồng - 8,8 triệu đồng) tương ứng với số thuế thu nhập cá nhân là 370 nghìn đồng/tháng (xem cách tính thuế ở mục 5).
b) Loại ý kiến thứ hai: Phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm) trên cơ sở kế thừa mức khởi điểm chịu thuế theo quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Khi đó, phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc sẽ là 2 triệu đồng/tháng (5 triệu đồng x 40%).
Ví dụ 2: Ông A là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có mức thu nhập chịu thuế là 15 triệu đồng/tháng. Ông A có 3 người phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng nên sẽ được giảm trừ một khoản không tính thuế là 11 triệu đồng/tháng (bao gồm phần giảm trừ cho ông A là 5 triệu đồng cộng với phần giảm trừ cho những người phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng là (5 triệu đồng x 40%) x 3 người = 6 triệu đồng). Như vậy, số tiền thu nhập còn lại để tính thuế của ông A là 4 triệu đồng (15 triệu đồng - 11 triệu đồng) tương ứng với số thuế là 200 nghìn đồng/tháng (xem cách tính thuế ở mục 5).
Đề nghị cho ý kiến về vấn đề này.
5. Về Biểu thuế đối với cá nhân cư trú
a) Điều 20 của dự thảo Luật quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần (tính theo từng bậc thu nhập) gồm 7 bậc với thuế suất thấp nhất là 5%, cao nhất là 35% áp dụng đối với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh và thu nhập, tiền lương, tiền công (chỉ tính thuế trên phần thu nhập còn lại sau khi đã giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là đối tượng nộp thuế và những người phụ thuộc).
Ví dụ 3: Theo ví dụ 1 tại mục 3 thì thu nhập tính thuế của ông A là 6,2 triệu đồng/tháng, ông A sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân theo 2 bậc với các mức thuế suất cụ thể như sau:
- Thuế suất 5% tính cho phần thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng;
- Thuế suất 10% tính cho phần thu nhập còn lại là 1,2 triệu đồng (6,2 triệu đồng - 5 triệu đồng).
Như vậy, tổng số thuế ông A sẽ nộp là 370 nghìn đồng/tháng ([5 triệu đồng x 5%] + [1,2 triệu đồng x 10%]).
Ví dụ 4: Theo ví dụ 2 tại mục 3 thì thu nhập tính thuế của ông A là 4 triệu đồng/tháng, ông A sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân theo 1 bậc với mức thuế suất là 5%. Số thuế ông A sẽ nộp là 200 nghìn đồng/tháng (4 triệu đồng x 5%).
Mức thu nhập tính thuế và thuế suất tương ứng dự kiến quy định tại Biểu thuế lũy tiến từng phần như trong dự thảo Luật có hợp lý không?
b) Điều 21 của dự thảo Luật quy định Biểu thuế toàn phần (1 mức thuế suất cho từng loại thu nhập) bao gồm 3 mức thuế 5%, 10% và 25%, trong đó:
- Thuế suất 5% áp dụng đối với thu nhập (phần lãi) từ đầu tư vốn; phần vượt trên 10 triệu đồng đối với thu nhập từ tiền bản quyền, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại cho mỗi lần phát sinh thu nhập;
- Thuế suất 10% áp dụng đối với phần vượt trên 10 triệu đồng của thu nhập trúng thưởng xổ số, thừa kế, quà tặng cho mỗi lần phát sinh thu nhập;
- Thuế suất 25% áp dụng đối với thu nhập (phần lãi) từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán).
Mức thuế suất dự kiến trong Biểu thuế toàn phần như trên có hợp lý không?
6. Về thời điểm hiệu lực của Luật thuế thu nhập cá nhân
Theo kinh nghiệm của các nước, do tính chất phức tạp của việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, nhất là việc xác định thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh nên phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện trước khi chính thức áp dụng luật. Do đó, dự thảo Luật dự kiến quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Quy định như vậy có phù hợp không?