Điều 11, Dự thảo Luật Đặc xá quy định, một trong những tiêu chuẩn để người đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá là chấp hành được 1/3 thời hạn đối với hình phạt. Tuy nhiên, về nội dung này vẫn còn nhiều điểm cần cân nhắc để tránh nhầm lẫn và đúng đối tượng
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo Uỷ ban Pháp luật cùng ban soạn thảo (do Bộ Công an chủ trì) nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá để có thể thông qua tại kỳ họp sắp tới. Tuy nhiên, nhiều chế định về đặc xá có ý kiến khác nhau, nhất là thời hạn chấp hành bản án để được xét đặc xá, tha tù.
Nội dung quan trọng nhất của chế định đặc xá là tiêu chuẩn của người được đề nghị đặc xá. Điều 11, Dự thảo Luật quy định, người đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá khi có đủ 2 tiêu chuẩn. Một là đã chấp hành được 1/3 thời hạn đối với hình phạt có thời hạn; 10 năm đối với tù chung thân; trên 12 năm đối với án tử hình được ân giảm xuống án chung thân. Thứ 2, phạm nhân chấp hành tốt quy chế, nội quy của cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động và liên tục xếp loại cải tạo từ khá trở lên, nếu được đặc xá không làm ảnh hưởng tới an ninh-trật tự.
Tuy nhiên, chế định về thời hạn tối thiểu chấp hành bản án để được xét đặc xá vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, nếu quy định tiêu chuẩn được xét đặc xá phải chấp hành 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù có thời hạn thì quy định 10 năm đối với tù chung thân là bất hợp lý. Như vậy nếu một phạm nhân bị kết án 30 năm thì phải sau 10 năm mới được xét đặc xá, cũng đúng bằng thời hạn để được xét đặc xá của phạm nhân bị kết án chung thân. Vì thế, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần cân nhắc một số quy định trong dự thảo Luật.
Theo CAND