Luật Cư trú được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Lần đầu tiên, quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp đã được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Theo quy định của Luật, cư trú được hiểu là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú.
Người dân đi làm thủ tục đăng ký hộ khẩu. Ảnh TPO |
Khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú cho mình. Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi.
Tạm trú 1 năm, có chỗ ở hợp pháp được nhập khẩu vào thành phố
Theo Điều 20, Luật Cư trú, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
- Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
- Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp như:
+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
+ Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại.
Ngoài ra, với những người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản...
Thế nào là chỗ ở hợp pháp?
Theo Nghị định 107, ngày 25/6/2007, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, chỗ ở hợp pháp bao gồm: Nhà ở; Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân...
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ sau đây:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
+ Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
+ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hoá giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
+ Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
+ Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã)...
Nếu không có các giấy tờ nêu trên thì chỉ cần có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất.
Nơi ở mới là đất lấn chiếm trái phép không được đăng ký thường trú
Những chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép; Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng... không được đăng ký thường trú.
Theo TPO