Thứ Tư, 27/11/2024 23:47 CH
Từ 1/7/2007, Luật sửa đổi bổ sung Bộ Luật Lao động và luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực
Đình công: Coi chừng phạm luật
Thứ Năm, 28/06/2007 14:40 CH

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chương XIV Bộ Luật Lao động (BLLĐ) có hiệu lực từ ngày 1/7 phân định rõ hai khái niệm: Tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Nội dung rất mới này của luật giúp tháo gỡ được vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động tập thể và đình công”. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nhìn nhận như vậy.

Chủ tịch UBND huyện giải quyết tranh chấp về quyền

070628--dinh-cong.jpg

Sau ngày 1/7, những cuộc đình công không do Công đoàn lãnh đạo là bất hợp pháp

Luật sửa đổi lần này xác định: Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước, nội quy, quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động vi phạm. Còn tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp về việc yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới (như sửa đổi, bổ sung thỏa ước, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phúc lợi khác) giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động”.

Theo bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Kể từ ngày 1/7, sẽ có 3 cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Đó là hội đồng hòa giải cơ sở (hoặc hòa giải viên lao động); chủ tịch UBND cấp huyện và TAND. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, thì hội đồng hòa giải cơ sở (hoặc hòa giải viên lao động) và hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm giải quyết.

Khi xảy ra tranh chấp, trong trường hợp hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết (tranh chấp về quyền) hoặc hội đồng trọng tài lao động giải quyết (tranh chấp về lợi ích). Đối với tranh chấp về quyền, sau khi chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết, nếu tranh chấp vẫn còn thì mỗi bên có quyền yêu cầu TAND giải quyết hoặc tập thể lao động có quyền đình công. Đối với tranh chấp về lợi ích, nếu hội đồng trọng tài hòa giải không thành, tập thể lao động có quyền đình công.

Xác lập vai trò CĐ

Vai trò của Công đoàn (CĐ) trong tổ chức, lãnh đạo đình công tiếp tục được xác lập: Đình công phải do Ban Chấp hành (BCH) CĐ cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Những nơi chưa có BCH CĐ, việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử ra. Việc đề cử này phải thông báo với CĐ cấp trên trực tiếp.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến để đình công, cũng được quy định cụ thể hơn: Nếu doanh nghiệp (DN) có dưới 300 lao động thì lấy ý kiến trực tiếp, nếu có từ 300 lao động trở lên thì lấy ý kiến của thành viên BCH CĐ cơ sở, tổ trưởng tổ CĐ và tổ trưởng sản xuất. Nơi chưa có CĐ thì lấy ý kiến tổ trưởng, tổ phó sản xuất. Việc lấy ý kiến phải có nội dung “đồng ý hay không đồng ý đình công”.

Những trường hợp đình công bị coi là bất hợp pháp

- Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể.

- Không do những NLĐ cùng làm việc trong một DN tiến hành.

- Khi vụ tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết.

- Không lấy ý kiến NLĐ.

- Việc tổ chức và lãnh đạo đình công không tuân theo quy định.

- Tiến hành tại DN không được đình công.

- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công...

(Điều 173 BLLĐ)  

Nhiều cán bộ CĐ đồng tình với quy định, khi có trên 50% tổng số lao động (nơi có dưới 300 lao động) hoặc trên 75% số người được lấy ý kiến (nơi có từ 300 lao động trở lên) đồng ý đình công thì CĐ cơ sở tổ chức đình công. Tuy nhiên, với quy định “ít nhất 5 ngày trước ngày bắt đầu đình công, BCH CĐ cơ sở phải cử đại diện trao quyết định đình công và bản yêu cầu cho người sử dụng lao động” thì nhiều ý kiến cho rằng quá dài. Bà Nguyễn Thị Chi Lan, Chủ tịch CĐ Công ty Quốc Việt (quận Bình Tân- TPHCM), nói: “Nếu tính từ khi khởi phát tranh chấp, qua các bước hòa giải cơ sở, giải quyết của chủ tịch UBND cấp huyện (hoặc trọng tài lao động), thông báo cho người sử dụng lao động về việc lấy ý kiến người lao động (NLĐ), báo trước việc đình công... thì cũng phải mất hơn nửa tháng. So với quy định cũ (17 ngày) thì cũng chậm trễ và... rắc rối như nhau”.

Gây thiệt hại, phải bồi thường

Một trong những điểm đáng lưu ý của quy định mới là các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Theo đó, NLĐ không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì đình công thì được trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác theo quy định. NLĐ tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Riêng cán bộ CĐ, được nghỉ việc ít nhất 3 ngày hưởng nguyên lương để tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại DN.

Trong trường hợp TAND phán quyết cuộc đình công là bất hợp pháp, NLĐ phải ngừng đình công. Nếu NLĐ không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động. Những người lợi dụng đình công để gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản của DN; người có hành vi cản trở đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc NLĐ đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia hoặc lãnh đạo đình công thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Luật gia Võ Văn Đời, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, cho rằng đây là những chế tài cần thiết để luật vận hành đúng quỹ đạo.

Theo NLĐ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek