Thứ Sáu, 01/11/2024 00:33 SA
Mô hình tổ vận động thi hành án dân sự:
Cách làm hay cần nhân rộng
Thứ Tư, 12/08/2015 09:59 SA

Công tác thi hành án dân sự (THADS) là khâu cuối cùng trong quá trình tố tụng để chấp hành phán quyết của cơ quan xét xử với những cách thức và biện pháp khác nhau nhằm buộc người có nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định của tòa án phải thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Do vậy, trong thời gian qua, cùng với các hoạt động của mình, ngành THADS Phú Yên đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành chức trách được giao. Việc đưa vào hoạt động mô hình Tổ vận động THADS đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.

 

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp - Ảnh: V.TÀI

 

KHỞI PHÁT TỪ SÔNG CẦU

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thanh (trú xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là người được thi hành án theo phán quyết cùa tòa án về việc đòi lại tài sản là 114,7m2 đất từ vợ chồng ông Lê Tác Hùng và bà Lê Thị Hoa, trú khu phố Chánh Bắc, phường Xuân Thành (TX Sông Cầu). Tuy nhiên, sau khi có đơn yêu cầu thi hành án, vợ chồng ông Hùng phải dỡ toàn bộ vật kiến trúc có trên đất nên việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để phán quyết của tòa án được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, Tổ vận động THADS phường Xuân Thành gồm có 6 thành viên là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Xuân Thành, công chức tư pháp và trưởng các đoàn thể phường đã vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các đương sự để kịp thời thông báo cho Chi cục THADS TX Sông Cầu. Đồng thời đề xuất giải pháp, trực tiếp đối thoại với đương sự để thuyết phục trong thỏa thuận THADS ở cơ sở.

 

Sau ba tháng vận động, thuyết phục và không phải dùng biện pháp cưỡng chế, tháng 8/2012, vợ chồng ông Hùng đã tự nguyện giao đất lại cho bà Thanh. Bà Thanh cũng tự nguyện hỗ trợ kinh phí để ông Hùng làm các thủ tục cần thiết khi giao lại mảnh đất cho mình.

 

Tương tự, sau một thời gian kiên trì thuyết phục, bà Trần Thị Nhung (khu phố Long Hải Nam, phường Xuân Phú, TX Sông Cầu) đã nhận lại 101m2 đất thổ cư từ sự tự nguyện thi hành án của vợ chồng ông Phạm Huỳnh và bà Huỳnh Thị Rít (khu phố Long Hải Nam) theo bản án của tòa án mà không phải cưỡng chế giao đất, giao nhà và kê biên tài sản.

 

Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số hàng chục trường hợp mà 14 tổ vận động THADS ở 14 xã, phường trên địa bàn TX Sông Cầu đã thực hiện trong thời gian qua từ khi đưa vào hoạt động mô hình này. Nhờ vậy, không chỉ tạo sự chuyển biến trong công tác THADS mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân, nhất là đối với các bên đương sự trong công tác THADS. Qua đó góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng, đáp ứng cải cách tư pháp trong tình hình mới.

 

Theo Phó chi cục THADS TX Sông Cầu Trần Kinh Tài, đứng trước yêu cầu đổi mới của công tác THADS, ngày 24/10/2008, UBND TX Sông Cầu đã ban hành Quyết định 2095 về việc thành lập Ban vận động THADS ở TX Sông Cầu gồm 7 thành viên. Chủ tịch UBND ở 14 xã, phường cũng đã ra quyết định thành lập tổ vận động THADS ở 14 xã, phường và ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của tổ này. Tổ vận động THADS ở cơ sở có 6 thành viên, gồm các thành phần là chủ tịch UBMTTQ Việt Nam 14/14 xã, phường làm tổ trưởng, tổ phó là cán bộ tư pháp và thành viên là trưởng các đoàn thể. Mô hình hoạt động khá mới mẻ này được thực hiện theo phương pháp linh hoạt, tự nguyện ở cơ sở và theo quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành nhưng hiệu quả đạt được rất khả quan, tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình trong mối quan hệ phối hợp giữa chi cục thi hành án với các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền địa phương.

 

TIẾP TỤC NHÂN RỘNG

 

Theo ông Tài, thực hiện theo Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 1/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 12/6/2009 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND TX Sông cầu đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về nâng cao hiệu quả công tác THADS. Trong lúc đó, Chi cục THADS thụ lý nhiều vụ việc đang thi hành rất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình trật tự địa phương nên mới có sự ra đời của tổ vận động THADS ở các xã, phường. Kết quả hoạt động thực tiễn của mô hình đã đẩy nhanh công tác thi hành án với kết quả thi hành đạt cao so với trước đây. Hiện tổ vận động vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và có đổi mới hơn nhằm tăng cường sự phối hợp trong phương pháp thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành và hạn chế áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bởi đa số những vụ việc cưỡng chế thi hành án đều liên quan đến việc giao quyền sử dụng đất, giao nhà ở… tính chất rất phức tạp nên vấp phải sự chống đối quyết liệt của bên phải thi hành án. Trước những khó khăn như vậy, Ban vận động và các tổ vận động THADS đã phát huy hiệu quả nên nhiều vụ việc tưởng chừng khó khăn ấy đã thành công hơn mong đợi của các cấp chính quyền địa phương, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác THADS, tạo được niềm tin của nhân dân, cơ quan, tổ chức xã hội.

 

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình, Cục trưởng Cục THADS Phú Yên Hà Công Khánh cho rằng điều mà mô hình này làm được là góp phần nâng cao nhận thức hoạt động thi hành án là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng cơ quan THADS. Vì vậy, trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ vận động THADS ở 14 xã, phường trên địa bàn TX Sông Cầu đều đi vận động, hòa giải. Qua đó nắm bắt tâm tư, thắc mắc, mâu thuẫn xảy ra giữa các bên đương sự để kịp thời có phương pháp thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành và xác minh điều kiện thi hành án. Bên cạnh đó, mô hình đã đem lại một phương pháp mới mẻ trong công tác THDS. Đó là vừa vận động thuyết phục vừa mang tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng đến tận người dân, cũng như giúp cơ quan THADS rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm áp lực về chỉ tiêu thi hành án và tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong tác nghiệp phối hợp, giải quyết, xác minh, tổ chức cưỡng chế thi hành án…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hà Công Khánh cũng thẳng thắn nhìn nhận mô hình còn có những hạn chế nhất định như việc thuyết phục sự tự nguyện thi hành án của các đương sự chưa được thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các vụ việc cưỡng chế thi hành án. Đây là mô hình còn khá mới, chưa có chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nên chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền. Vì vậy, hoạt động của tổ vận động THADS còn mang tính tự nguyện, không chuyên sâu, một số thành viên của tổ còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng vận động trong công tác THADS…

 

Đứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác THADS, cũng như đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020, Cục THADS Phú Yên bước đầu đã đánh giá lại mô hình hoạt động này trên địa bàn TX Sông Cầu. Song song đó, đề xuất với tỉnh cho thành lập tổ vận động THADS ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh theo mô hình trên. Cục cũng đề xuất với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình này, chú trọng hỗ trợ kinh phí để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình, nâng cao hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek