Vào mạng internet gõ “phần mềm nghe lén” hoặc “phần mềm gián điệp cho điện thoại”, “phần mềm theo dõi điện thoại từ xa” là có ngay hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu kết quả với đủ loại dịch vụ, đủ kiểu nhà cung cấp.
Sự việc Công ty Việt Hồng ở Hà Nội bị phát hiện nghe lén 14.000 thuê bao điện thoại di động mà báo chí vừa thông tin dù có gây xôn xao, nhưng với giới công nghệ, việc này không còn lạ. Đã có những công ty từng muốn phổ biến những phần mềm gián điệp loại này với những tính năng, công dụng nghe có vẻ rất hợp lý như “theo dõi con cái từ xa”, “quản lý nhân viên”… tuy nhiên, những lý do như thế cũng không thể khỏa lấp được yếu tố bất minh, thậm chí là phạm pháp của loại phần mềm này, bởi điều cơ bản là người bị theo dõi không hề được biết họ đang bị theo dõi và những hậu quả của nó. Kể cả việc dùng phần mềm để “quản lý con cái” cũng phải xem xét lại vì tính bất minh của nó.
Ngay tại thời điểm xảy ra vụ việc Công ty Việt Hồng tại Việt Nam, ở Anh cũng đang có một tranh cãi liên quan đến các phần mềm nghe lén. Tại nước này, đa phần các bậc cha mẹ không sống cùng con cái khi chúng trưởng thành và lúc các cụ về già, sự cô độc và tuổi tác luôn ẩn chứa hiểm nguy. Vì lẽ đó, một nhà thiết kế đã đề xuất gắn các microchip (con chip siêu nhỏ) vào nhà những người già không sống cùng con cái để người trẻ có thể theo dõi họ bất cứ lúc nào, đề phòng bất trắc. Dự án của nhà thiết kế này dù được một số người đón nhận, nhưng vẫn có nhiều người không tán thành, thậm chí có người phản đối kịch liệt vì yếu tố xâm phạm đời tư. Bởi quyền riêng tư là một trong những quyền quan trọng của con người. Nhưng ít nhất, ở góc độ nhân đạo, và trong trường hợp đối tượng được theo dõi đồng ý, việc gắn phần mềm hay con chip theo dõi là có thể chấp nhận được.
Còn việc các công ty kinh doanh sử dụng phần mềm gián điệp theo dõi các thuê bao di động, đánh cắp, buôn bán thông tin từ những chiếc điện thoại “thông minh” của người tiêu dùng lại có tính chất khác và hoàn toàn phi pháp.
Luật pháp nước ta có đủ các điều khoản xử lý hành vi này. Tuy nhiên, dường như môi trường xã hội mới là lý do chính dẫn đến sự phổ biến và lộng hành của các loại phần mềm gián điệp.
Vì mục tiêu lợi nhuận, quen thói làm ăn chộp giật, một số người, một số công ty sẵn sàng phạm pháp nhằm kiếm lời. Bên cạnh đó là thái độ không tôn trọng quyền riêng tư của nhiều người trong xã hội, trong đó có cả quyền riêng tư của con trẻ, thậm chí là không cần biết, không thèm biết có những quyền ấy trên đời.
Để bảo vệ con, nhiều ông cha bà mẹ sẵn sàng can thiệp một cách thô bạo vào đời sống, sinh hoạt của con cái thay vì tìm những biện pháp thích hợp hơn, tinh tế hơn. Để bảo vệ mình, nhiều người sẵn sàng dùng tới cả thám tử, cả công nghệ để theo dõi bạn đời, bạn tình dù biết rằng không thể giữ tình cảm, giữ hạnh phúc bằng… phần mềm.
Và, dường như ta có đủ điều luật để xử lý khi hành vi nghe lén, ăn cắp thông tin xảy ra, nhưng chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn nó xảy ra.
TRÍ QUÂN