Chủ Nhật, 06/10/2024 05:45 SA
Tuyên truyền pháp luật thông qua hòa giải cơ sở
Thứ Bảy, 14/12/2013 08:00 SA

Phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp và những người khác) với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật xác định, gắn liền với từng tranh chấp cụ thể... Do đó, hòa giải viên có thể lựa chọn phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

 

Để thực hiện tốt phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên cần thực hiện các bước sau đây:

 

- Trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, hòa giải viên phải có mặt kịp thời nắm rõ nội dung tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp để thực hiện công tác hòa giải. Việc nắm rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp sẽ tạo điều kiện để hòa giải viên có phương pháp hòa giải đúng, vận dụng, viện dẫn các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp xảy ra đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn thuyết phục các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình đúng hay sai, vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật…để các bên hiểu và tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.

 

- Trong khi tiến hành hòa giải, trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu về cung cấp, giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn này để họ nghiên cứu, xem xét thì hòa giải viên giúp đỡ hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp hiểu đúng tinh thần của văn bản pháp luật. Cụ thể: Đối với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình liên quan đến thừa kế, hòa giải viên phải xem xét các quy định của Bộ luật Dân sự liên quan đến thừa kế như quyền thừa kế của cá nhân, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người hưởng thừa kế; giá trị của di chúc; thủ tục lập di chúc, những quy định của thừa kế theo pháp luật. Thông qua các quy định này, hòa giải viên khéo léo kết hợp với việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật gắn với việc thực, người thực nên dễ đi vào lòng người và rất có hiệu quả.

 

- Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp, hòa giải viên cần gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải kết hợp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình. Nhất là, khi gặp gỡ từng bên tranh chấp, hòa giải viên cần lựa chọn thời điểm thích hợp để trao đổi, hướng dẫn thuyết phục các bên tranh chấp, việc lựa chọn thời điểm thích hợp có thể vào buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ,... sẽ tạo tâm lý thoải mái giúp họ dễ tiếp thu ý kiến đóng góp và bình tĩnh phân tích sự việc hơn.

 

- Tổ chức cho các bên tranh chấp gặp gỡ để thảo luận với nhau việc giải quyết tranh chấp. Sau khi gặp gỡ từng bên, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của các bên về việc giải quyết tranh chấp, hòa giải viên tổ chức cho các bên gặp nhau để thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp.

 

Như vậy, trong khi tiến hành hòa giải các bên tranh chấp, hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh những quy định mấu chốt của pháp luật nếu các bên tranh chấp nghiêm chỉnh trong ứng xử của mình thì sẽ tránh được tranh chấp xảy ra.

 

PHẠM QUỐC DŨNG

(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek