Hàng năm, tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người và làm cho hàng chục ngàn người khác bị thương, tạo gánh nặng, nỗi lo cho toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn là do người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia.
Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Phú Hòa kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: L.HẢO |
Qua thống kê, phân tích các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh thì trên 80% số vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như: chạy quá tốc độ quy định, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định, và đặc biệt là điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Điển hình như vụ tai nạn vào đầu tháng 3/2013, sau khi ăn nhậu tại một quán ở thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng, Phú Hòa), Nguyễn Minh Phú (SN 1996, trú xã Hòa Định Đông, Phú Hòa) điều khiển mô tô 78H8-7660 chở Lê Hồ Anh Thiên về nhà trên đường ĐH25 theo hướng nam - bắc do không chú ý quan sát đã tông vào đuôi phía sau, bên trái rơ mooc tự chế của người dân đang đỗ bên lề đường. Vụ tai nạn làm Nguyễn Minh Phú chết tại chỗ, Lê Hồ Anh Thiên chết trên đường đi cấp cứu.
Nhằm giảm thiểu TNGT do rượu, bia gây ra, từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh huy động lực lượng, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tăng cường tuần tra kiểm soát suốt ngày đêm. Qua đó phát hiện, xử lý 1.295 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Con số này còn quá ít so với tình trạng dùng rượu, bia của người tham gia giao thông. Vì thực tế lực lượng Cảnh sát giao thông không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm khá phổ biến này và nhất là việc kiểm tra, xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn, khi mà người vi phạm luôn tìm mọi cách né tránh. Nhiều trường hợp người vi phạm đã có lời nói, hành động xúc phạm đến lực lượng kiểm tra, thậm chí chống lại người thi hành công vụ.
Mặc dù, quy định của pháp luật cả hình sự và hành chính đối với hành vi sử dụng rượu, bia khá nghiêm khắc nhưng chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Muốn giảm TNGT, nhất là giảm thương vong do rượu, bia gây ra một cách bền vững thì mọi người dân cùng suy ngẫm và hành động có trách nhiệm hơn đối với bản thân và cộng đồng, phải thay đổi ngay thói quen sử dụng rượu, bia.
LÊ TẤN SỸ
(Phòng CSGT Công an tỉnh)
Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức xử phạt về vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB)
1. Người nào điều khiển phương tiện GTĐB mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác.
c) Gây TNGT rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.