Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự khoan hồng hay nghiêm khắc của pháp luật. Quy định này nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc không cho bị cáo hưởng các tình tiết này.
Nguyễn Thành Tuấn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần, tuy nhiên giá trị tài sản mỗi lần trộm không quá 500.000 đồng (tổng số tiền trộm cắp là 1 triệu đồng). Ngoài ra, Tuấn còn xúi giục các bị cáo khác là người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định, Hội đồng xét xử (HĐXX) phải áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo Tuấn. Thế nhưng, HĐXX sơ thẩm TAND TP Tuy Hòa chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” đối với bị cáo Tuấn, mà lại không áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” và không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội gây thiệt hại không lớn”.
Cũng có những trường hợp, bị cáo có hành vi phạm tội buộc phải áp dụng các tình tiết tăng nặng nhưng tòa án “quên”. Đó là vụ án Nguyễn Thanh Cương rủ rê Nguyễn Hợp, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Khắc Điệp… thực hiện ba vụ trộm cắp xe mô tô. TAND huyện Đồng Xuân áp dụng Khoản 1, Điều 138; Điểm b, h, p Khoản 1, Điều 46; Điểm g, Khoản, Điều 48 BLHS xử phạt Nguyễn Thanh Cương 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Bị cáo Cương trộm cắp nhiều lần nhưng lại được tòa “ưu ái” áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 46 BLHS là không đúng. Xét về tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Cương là rất nguy hiểm cho xã hội nhưng án sơ thẩm chỉ tuyên phạt 9 tháng tù là quá nhẹ. Chính vì thế, Viện KSND tỉnh đã kháng nghị phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Cương. Mới đây, TAND tỉnh đã đưa vụ án này ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Cương với mức án nặng gấp đôi (18 tháng tù).
Có trường hợp bị cáo phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa án lại không áp dụng như vụ Lê Văn Tý rủ Đỗ Văn Chung (SN 1989) dỡ ngói nhà chị Lương Thị Mai ở Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) trộm cắp hơn 1,6 triệu đồng. Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, Tý đều khai nhận đã rủ rê, xúi giục Chung là người chưa thành niên phạm tội. Thế nhưng, HĐXX sơ thẩm TAND TP Tuy Hòa lại không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo” được quy định tại Điểm p, Khoản 1, Điều 46 BLHS và không áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” được quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 48 BLHS đối với bị cáo Tý. Còn ở vụ Võ Ngọc Tâm phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hành vi của Tâm là lợi dụng lòng tin của anh Trần Hữu Bình để mượn xe. Sau đó, Tâm có ý đồ đem xe lên Đắc Lắc bán nhưng gây tai nạn, bị công an tạm giữ xe và đã trả lại cho bị hại. Việc công an giữ xe và trả lại cho bị hại là theo quy định của pháp luật, không phải do bản thân bị cáo tự nguyện. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Tuy Hòa (cũ) áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội bồi thường thiệt hại” quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 46 BLHS là không đúng.
TỔ PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH