Theo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mức phạt đến 50 triệu đồng sẽ áp dụng đối với các vi phạm quy định về an toàn điện; trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tối đa là 100 triệu đồng.
Thả diều gây sự cố điện phạt đến 5 triệu đồng
Nghị định quy định phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vào trạm điện hoặc trèo lên cột điện khi không có nhiệm vụ; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; lắp đặt antenna ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện.
Đối với một trong các hành vi: Sử dụng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện vào mục đích khác khi chưa có thoả thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện; đổ, đắp, sắp xếp nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị dưới dây dẫn điện của đường dây dẫn điện trên không và để khoảng cách từ dây dẫn điện đến nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị nhỏ hơn khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp; sử dụng bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không vào mục đích khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;... thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu chặt và để cây đổ vào lưới điện
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, ao trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm mà không thông báo trước cho đơn vị quản lý vận hành đường cáp theo quy định; chặt và để cây đổ vào lưới điện; xây nhà, công trình lên hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm...
Đối với một trong các hành vi sau đây: Đào hố, đóng cọc trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp; tung, ném, bắn, quăng bất cứ vật gì gây hư hỏng các bộ phận của lưới điện, nhà máy điện hoặc gây sự cố lưới điện, nhà máy điện; sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Phạt nặng hành vi sử dụng phương tiện thi công làm hư hỏng, sự cố lưới điện
Cũng theo nghị định, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thiết kế, lắp đặt và đưa vào vận hành lưới điện, nhà máy điện không đáp ứng được các quy định về kỹ thuật, an toàn điện; không kiểm tra, thí nghiệm hệ thống chống sét, nối đất của nhà máy điện, trạm điện; xếp, chứa các chất cháy, nổ, ăn mòn trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
Đối với một trong các hành vi sau: Đào đất làm lún, nghiêng, đổ cột của đường dây dẫn điện hoặc thiết bị của trạm điện, nhà máy điện; nổ mìn gây hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện; sử dụng phương tiện thi công gây chấn động làm hư hỏng, sự cố lưới điện, nhà máy điện thì sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Nghị định quy định, các mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.
Theo Chinhphu.vn