Thời gian gần đây, ở khu vực nông thôn trong tỉnh xuất hiện một số đối tượng giả danh nhân viên của những doanh nghiệp lừa bán hàng “dỏm” cho các chủ quầy hàng tạp hóa. Khi lấy được tiền, những kẻ này cao chạy xa bay thì người dân mới biết mình đã bị lừa, đành phải tiền mất, nợ mang.
Những thanh kẹo sing-gum mà đối tượng đã lừa bán cho anh Tân - Ảnh: NG.KHANG
Vào một buổi trưa cuối tháng 8 vừa qua, anh Lê Văn Tân, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Đồng Dinh, thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa) đang thiu thỉu ngủ bỗng giật mình khi nghe có tiếng chân người. Nghĩ là khách đến mua hàng, anh Tân bật dậy thì thấy một thanh niên trạc tuổi 30-35 đi mô tô, đeo kiếng đen, tay xách cặp táp, ăn mặc lịch sự bước vào quán. Sau vài lời thăm hỏi bâng quơ, người thanh niên nọ chìa các vi sit, tự giới thiệu mình tên là Minh, đại diện giám sát một đại lý bán hàng lớn ở TP Tuy Hòa, trụ sở chính công ty đặt tại TP Hồ Chí Minh. Anh ta cho biết, thời gian gần đây, do chính sách mở rộng thị trường, nhất là với khách hàng khu vực nông thôn nên công ty của anh ta đang có chương trình bán hàng với giá ưu đãi, không thu trước tiền của khách hàng. Giá mỗi thùng bia hay nước ngọt đều rẻ hơn so với thị trường 10.000 đồng và đặc biệt là “mua 10, tặng 1”. Không chỉ được mua nhiều mặt hàng giá rẻ, công ty còn có nhiều chương trình khuyến mãi, trúng thưởng cho khách hàng với những quà tặng hấp dẫn như ti vi, tủ lạnh, tủ trưng bày... trị giá hàng chục triệu đồng. Nếu ai có thiện chí ký kết hợp đồng đặt mua hàng, anh ta sẽ đề xuất công ty “linh động” giảm giá hoặc tặng riêng nhiều phần quà có giá trị cao.
Khi nghe người thanh niên lạ mặt kia nói chuyện, anh Tân đã thoáng chút phân vân, nghi ngờ. Như đọc được suy nghĩ của anh, người thanh niên liền nhanh chóng cho biết, tại thị trấn Phú Hòa, đã có nhiều người chủ động gọi điện thoại cho anh ta xin được mua hàng nhưng anh ta từ chối, không nhận. Thấy cửa hàng của anh Tân buôn bán có tiềm năng, anh ta mới đến gặp gỡ, trao đổi. Nếu không đồng ý, sau này anh Tân sẽ không còn cơ hội mua hàng giá rẻ của công ty. Vừa nói, người thanh niên vừa mở cặp lấy ra một xấp hợp đồng đưa anh Tân xem. Thấy trên hợp đồng ghi tên nhiều cửa hàng, đại lý trong khu vực nên anh Tân hoàn toàn tin tưởng, đồng ý.
Sau khi anh Tân đăng ký tên tuổi, địa chỉ và yêu cầu số lượng các mặt hàng đặt mua, người thanh niên này cho biết trong vài ngày tới, hàng (của anh Tân) sẽ được xe tải công ty vận chuyển đến tận nơi. Để có hàng giới thiệu người tiêu dùng, công ty anh ta vừa tung ra sản phẩm kẹo sing-gum với nhiều tính năng vượt trội. Nếu khách hàng nhận ký gửi sản phẩm này, công ty sẽ tài trợ miễn phí một tủ trưng bày trị giá 10 triệu đồng. Sau 2 tuần trưng bày, nếu hàng không bán được, công ty sẽ cho người đến thu hồi, đồng thời hỗ trợ cho người bán hàng 15% số tiền trên tổng số hàng gửi. Sau khi nhẩm tính, anh Tân thấy nếu không bán được hàng, mình cũng được nhận tiền trưng bày nên mua ngay 6 hộp kẹo và nhanh chóng mở tủ lấy 1,8 triệu đồng đưa cho người thanh niên kia. Khi vị “đại diện giám sát” vừa lên xe đi khỏi, linh tính có chuyện chẳng lành, anh Tân liền lấy máy gọi vào số điện thoại in trên danh thiếp thì không liên lạc được. Kiểm tra hộp kẹo, anh Tân tá hỏa khi phát hiện mỗi hộp chỉ có 120 thanh, đóng gói vụng về chứ không phải sản phẩm “đặc biệt”, mỗi hộp 200 thanh như gã bán hàng lừa đảo đã giới thiệu. Kinh hãi hơn, số kẹo này bốc mùi hôi tanh, khó chịu chứ không thơm như các sản phẩm có thương hiệu thông dụng trên thị trường.
Được biết tại huyện Phú Hòa, không chỉ có anh Tân mà còn nhiều trường hợp khác cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo. Đây là thủ đoạn mới của bọn tội phạm và rất có thể trong thời gian tới bọn chúng sẽ đến các vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh để tiếp tục “diễn kịch”. Trong khi các cơ quan chức năng vào cuộc, thiết nghĩ người dân cần hết sức đề cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện vụ việc tương tự hoặc đối tượng nghi vấn, cần nhanh chóng điện thoại hoặc báo cáo đến cơ quan công an nơi gần nhất.
NGUYÊN KHANG