Bản án có hiệu lực từ tháng 9/2012. Do tòa tuyên không rõ ràng nên đã 1 năm qua, bản án cũng chỉ nằm trên giấy, khiến quyền lợi của đương sự bị xâm hại, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) dù bức xúc nhưng cũng đành “bó tay”…
Minh họa: N.LÊ
KHÔNG TUYÊN RÕ LOẠI ĐẤT VÀ PHƯƠNG THỨC DI DỜI CÂY TRỒNG
Bản án dân sự phúc thẩm số 56/2012 ngày 18/9/2012 của TAND tỉnh Phú Yên về việc “Tranh chấp chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Điểm (trú xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân) với bị đơn là ông Nguyễn Tấn Lực (đã mất) và những người thừa kế quyền của bị đơn đều trú thị trấn La Hai (Đồng Xuân), gồm: bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Lực); Nguyễn Tấn Trạng, Nguyễn Tấn Quốc, Nguyễn Tấn Quang (con ông Lực) quyết định: “Buộc những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn phải giao lại cho bà Nguyễn Thị Điểm quản lý, sử dụng 100m2 đất trong diện tích đất đo đạc thực tế là 562,8m2, thuộc số thửa 267, tờ bản đồ 26 ở khu phố Long Hà (thị trấn La Hai) mà bà Nga và các con đang quản lý. Đồng thời, tòa cũng buộc bà Nga và các con phải di dời 2 nọc rơm, 1 phần đuôi mái tôn, 1 cây me, 2 cây ổi, 1 cây mãng cầu ra khỏi diện tích đất đã giao cho bà Điểm để bà thực hiện quyền quản lý, sử dụng theo quy định”.
Tuy nhiên, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì việc phân chia tài sản theo phán quyết của tòa lại nảy sinh nhiều vấn đề. Trong đó, việc tuyên không rõ loại đất gì để giao cho bà Điểm, cũng như việc di dời các cây lâu năm đi đâu khiến cho việc thi hành bản án gặp nhiều khó khăn và kéo dài nên quyền lợi của công dân bị xâm hại…
THI HÀNH ÁN CŨNG “BÓ TAY”!
Theo ông Trần Thanh Hoài, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đồng Xuân, ngoài việc bà Nga và các con không tự nguyện thực hiện thi hành án và có thái độ thách thức khiến bản án kéo dài, còn có 2 vấn đề mà bản án tuyên không rõ đã dẫn đến việc Chi cục THADS huyện Đồng Xuân chưa có đủ cơ sở để thi hành.
Ông Hoài phân tích: Qua xác minh điều kiện thi hành án cho thấy, hộ ông Nguyễn Tấn Lực được UBND huyện Đồng Xuân cấp 288m2 đất ở tại thửa đất số 267 tờ bản đồ số 26 vào năm 2001. Đến tháng 5/2011, UBND huyện Đồng Xuân ra quyết định 1912 thu hồi 77,8m2 để thực hiện dự án Trục giao thông phía Tây Phú Yên. Như vậy, diện tích đất ở đô thị còn lại của ông Lực là 222,2m2, trên diện tích này có một ngôi nhà cấp 4 cùng với các công trình phụ được xây dựng với diện tích khoảng 140m2. Thế nhưng, bản án của TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên buộc bà Nga cùng các con phải trả cho bà Điểm quản lý, sử dụng 100m2 đất, nhưng không tuyên rõ loại đất gì trong thửa đất số 267, tờ bản đồ số 26 có diện tích đất đo đạc thực tế là 562,8m2 ở khu phố Long Hà là không có căn cứ pháp luật. Bởi vì, thửa đất 267 sau khi trừ 140m2 (đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 cùng với các công trình phụ -PV), chỉ còn lại 82,2m2 đất ở thì không đủ 100m2 đất để giao cho bà Điểm. Ngoài ra, bản án còn tuyên buộc bà Nga và các con phải di dời 1 cây me, 2 cây ổi, 1 cây mãng cầu… ra khỏi diện tích đất đã giao cho bà Điểm để bà thực hiện quyền quản lý, sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế, các cây nói trên là cây ăn trái lâu năm, bộ rễ ăn sâu trong đất… Thế nhưng, bản án của tòa lại không đề cập và xem xét đến phương thức di dời các loại cây ăn trái này ra khỏi mảnh đất như thế nào và di dời đến đâu? Trong khi đó, những người có quyền và nghĩa vụ thừa kế lại không tự nguyện thi hành án nên chi cục không thể tiến hành cưỡng chế để thực hiện việc di dời đối với các loại cây nói trên. Vì trong quá trình di dời, các cây có thể chết hoặc cây ăn trái trong thời kỳ cho thu hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, thiệt hại về kinh tế cho bị đơn. Như vậy ai sẽ là người có trách nhiệm chịu các rủi ro này?
Do đó, đến nay Chi cục THADS huyện Đồng Xuân không có đủ cơ sở để thực hiện việc cưỡng chế di dời các cây theo bản án đã tuyên. Đồng thời, chi cục cũng đã gửi văn bản đề nghị Chánh án TAND tỉnh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, nơi này trả lời rằng không có căn cứ để kháng nghị, nếu có vướng mắc thì làm công văn yêu cầu TAND tỉnh giải thích.
Sau đó, thẩm phán Võ Nguyên Tùng (TAND tỉnh) đã ký công văn số 37 để giải thích bản án của mình. Theo công văn này, TAND tỉnh giải thích bản án đã tuyên bên bị đơn tự nguyện trả lại đất, cũng như di dời các cây trồng và vật dụng trên đất. Nếu bà Nga và các con không tự nguyện di dời, Chi cục THADS huyện Đồng Xuân phải tiến hành cưỡng chế di dời. Mặc dù được giải thích như vậy nhưng Chi cục THADS huyện Đồng Xuân vẫn không thể thi hành. Vì ngoài việc khi di dời không đảm bảo giá trị tài sản như ban đầu mà cụ thể ở đây là cây trồng lâu năm, cơ quan THADS huyện Đồng Xuân còn vướng mắc và không rõ lấy loại đất nào để giao cho bà Điểm nên vụ việc đang bế tắc.
VĂN TÀI
Tòa tuyên không phù hợp với thực tế
“Tòa tuyên như thế này là không cụ thể và phù hợp với thực tế. Đáng lẽ tòa phải tuyên đất nào của bị đơn sẽ được giao cho bà Điểm, cũng như làm rõ việc di dời cây trồng và vật dụng khác có trên đất của bị đơn. Nhất là cây trồng lâu năm khi di chuyển sẽ không đảm bảo được nó có chết hay không? Bên cạnh đó, tòa đã không xem xét việc di dời cây cối của người có quyền và nghĩa vụ thừa kế là bà Nga và các con như thế nào. Chính việc tòa không xem xét toàn diện và tuyên không rõ ràng nên làm cho bản án càng khó thực thi hơn. Do vậy, Chi cục THADS huyện Đồng Xuân chỉ còn cách yêu cầu bị đơn tự nguyện thi hành. Nếu họ không tự nguyện thi hành thì không còn cách nào khác, vì tòa đã mắc thiếu sót tuyên không rõ dẫn đến bản án không thể thi hành”.
(Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên)