Thứ Năm, 24/10/2024 21:28 CH
Những thanh niên nhận giải thưởng Lương Định Của
Thứ Tư, 21/11/2012 11:00 SA

Từ ngày 22-24/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ I và trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ VII cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc trong toàn quốc. Nhiều thanh niên của Phú Yên vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này.

NGUYỄN NGỌC VƯƠNG, PHÓ BÍ THƯ XÃ ĐOÀN AN CƯ (TUY AN): Chủ trang trại từ hai bàn tay trắng

vuong121121.jpgNăm 2006, tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y của Trường trung học Kinh tế kỹ thuật Phú Yên (nay thuộc Trường đại học Phú Yên), Nguyễn Ngọc Vương (SN 1983) tham gia công tác Đoàn tại địa phương và mở trang trại nuôi heo. Không một đồng dính túi nhưng với quyết tâm khẳng định mình, Vương đã vay mượn được 50 triệu đồng từ người thân, bạn bè để lập nghiệp, bắt đầu từ trang trại nuôi heo thịt với 50 con giống. Nhưng rồi cả đàn heo bỗng dưng ngã bệnh. Xoay sở đủ cách, cuối cùng Vương phải bán tháo cả đàn heo, gánh lỗ 10 triệu đồng. Không nản lòng, năm sau Vương lại chuyển sang nuôi heo nái. Từ 6 con heo sinh sản, qua một năm đàn heo ở trang trại của Vương đã lên đến vài chục con. Cứ thế, đến giữa năm 2008, Vương không chỉ bán heo trả hết nợ vay mượn mà còn dư ra một số vốn kha khá.

Từ thành công bước đầu, năm 2009, Vương mạnh dạn đầu tư nuôi thêm heo rừng lai. Ban đầu, Vương mua một con heo rừng đực và ba con heo nái đen của đồng bào dân tộc thiểu số để làm giống. Đến cuối năm 2011, Vương bán 27 con heo thịt (mỗi con khoảng 80kg) thu về 100 triệu đồng. Không chỉ nuôi heo, Vương còn đầu tư mua 2 con bò nái lai sind. Đến nay, trang trại chăn nuôi của Vương gồm có 5 con bò cái lai sind, một con heo rừng đực giống và 8 heo nái. Riêng heo thịt thường xuyên có trong chuồng hơn 20 con, mỗi năm cho doanh thu trên 150 triệu đồng. Vương cho biết: “Hiện tôi đã tạo điều kiện cho thanh niên trong xã cùng phát triển trang trại, bằng cách cho mượn hai con heo giống trong vòng một năm. Sau khi heo sinh sản, tôi bắt lại ba heo con để cho thanh niên khác mượn. Hai con giống cho mượn ban đầu thì thuộc về thanh niên đó. Cứ thế, xoay vòng đến từng thanh niên trong xã”.

NGUYỄN VĂN CƯỜNG, KHU PHỐ LONG BÌNH, PHƯỜNG XUÂN PHÚ (TX SÔNG CẦU): “Đại gia” nuôi nhím

cuong121121.jpgXuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, quanh năm phải làm thuê kiếm sống, năm 1997, Nguyễn Văn Cường lập gia đình rồi tiếp tục đi làm thuê, những lúc rảnh anh chạy xe ôm để kiếm tiền cho vợ đi chợ. Qua những lần chở trái cây ở chợ, Cường thấy có nhiều trái cây quá chín không bán kịp, được các tiểu thương vứt đi, anh thoạt nghĩ đây có thể là nguồn thức ăn cho một số loài vật nuôi nào đó. Từ ý nghĩ ấy, Cường tìm tòi và đi đến quyết định nuôi nhím để tận dụng nguồn thực phẩm thừa ở chợ. Năm 2001, anh vay 3 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mượn thêm ít vốn của bạn bè đầu tư xây chuồng và mua bốn cặp nhím giống hai tháng tuổi về nuôi. Sau một năm chăm sóc, bốn cặp nhím giống đã sinh sản được 12 nhím con. Bán số nhím con này với giá 4 triệu đồng/cặp, anh lại đầu tư toàn bộ thu nhập đó để mở rộng quy mô nuôi. Với cách làm này, đến nay anh đã có 32 cặp nhím giống, hàng năm cung cấp hàng chục cặp nhím giống cho những hộ nuôi ở Phú Yên và Gia Lai. Ngoài ra, gần đây anh còn đầu tư nuôi nai lấy nhung, rùa, chồn nhung, kỳ đà… mỗi năm thu nhập 300-400 triệu đồng.

Hiện trang trại của Cường mỗi ngày có 10 lao động làm thường xuyên và trở thành điểm tham quan của nhiều người dân trong và ngoài TX Sông Cầu. “Trước đây, vợ chồng tôi sống trong túp lều tranh rất cơ hàn nên thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của người nghèo. Đến nay, cuộc sống tương đối khá hơn, vì vậy hàng năm vợ chồng tôi tham gia công tác xã hội từ thiện, trao quà, gạo giúp cho những người còn nghèo tại địa phương”, Cường bộc bạch.

ĐINH VĂN ÌN, BÍ THƯ XÃ ĐOÀN AN HÒA (TUY AN): Thoát nghèo từ 10 triệu đồng vốn vay

van-in121121.jpgĐinh Văn Ìn đã có một thời gian phấn đấu khá dài để trở thành thành viên Câu lạc bộ (CLB) 100 triệu đồng (Huyện đoàn Tuy An). “Sau khi tốt nghiệp cấp III năm 2001, tôi tham gia đội tuyển thể dục thể thao Phú Yên, sau đó được đưa đi học lớp huấn luyện viên thể hình tại TP Cần Thơ và được Tổng Liên đoàn Thể dục Việt Nam cấp bằng loại giỏi”, Ìn kể. Nhờ kết quả và kỹ năng học được trong suốt thời gian trên, khi về tham gia công tác Đoàn tại địa phương, Ìn mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở CLB thể dục thể hình. Ìn chia sẻ: “Ban đầu mở CLB, mình có một ý nghĩ duy nhất đó là tạo sân chơi vui, khỏe cho thanh niên trong xã tham gia. Nhờ nỗ lực vận động, không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng, từ vài học viên, đến nay CLB đã thu hút hơn 80 thanh niên tham gia tập luyện mỗi ngày”.

Không dừng lại ở đó, năm 2008, Ìn gom góp hết số vốn dành dụm được đầu tư nuôi tôm hùm ươm và tôm hùm thịt. Ngay năm đầu tiên, trừ chi phí Ìn lãi trên 40 triệu đồng. Có vốn, Ìn tiếp tục đầu tư nuôi tôm và hùn tiền mở cơ sở chế biến nước mắm, nuôi gà đá để cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, tổng thu nhập hàng năm của Đinh Văn Ìn trên 100 triệu đồng.

Từ khi mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, Đinh Văn Ìn nhân rộng mô hình và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều thanh niên trong xã cùng nuôi. Đến nay, có hơn 50 đoàn viên thanh niên thực hiện theo mô hình nuôi tôm hùm ươm, tôm hùm thịt, tôm thẻ chân trắng và nuôi gà đá, sản xuất nước mắm… đạt hiệu quả, thu nhập từ 70-150 triệu đồng/năm/mô hình, góp phần ổn định kinh tế gia đình và đóng góp cho xã hội.

TRUNG HIẾU (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek