Thứ Sáu, 25/10/2024 13:31 CH
Học sinh mê đọc “ngược” truyện Nhật Bản
Thứ Tư, 24/08/2011 14:00 CH

Các nhà xuất bản (NXB) lớn như Kim Đồng, Tuổi Trẻ đã đi đầu trong phong trào xuất bản truyện tranh Nhật Bản đọc “ngược” từ phải qua trái, khiến hàng loạt những NXB Thanh Hóa, Đồng Nai, Đà Nẵng… đều nhất loạt làm theo. Một hình thức đọc mới như thế có thể chấp nhận được ở một đất nước có truyền thống lâu đời là đọc từ trái qua phải?

hs110824.jpg

Học sinh đang mải mê đọc truyện “ngược” Nhật Bản trong hiệu sách - Ảnh: T.DIỆU

Chỉ riêng 2 tác phẩm Conan, Đôrêmon do NXB Kim Đồng xuất bản “ngược” cũng đủ sức khiến văn hóa đọc “ngược” truyện tranh trở nên phổ biến vì sức hấp dẫn của hai truyện này là rất lớn. Vì các fan của cậu bé thám tử lừng danh Conan và chú mèo máy Đôrêmon dễ dàng chấp nhận vì say mê thần tượng của mình. Võ Thị Tâm Khoan, huyện Tây Hòa, sinh viên Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh là một fan nghiện truyện tranh Nhật Bản từ thời còn học phổ thông hào hứng kể: Ban đầu tiếp xúc với cách đọc “ngược” từ phải qua trái thay vì đọc từ trái qua phải như người Việt Nam, tôi cũng hơi mỏi mắt, nhưng cầm quyển truyện ngược cảm giác có “phong cách” nên tôi rất phấn khích. Truyện tranh Việt Nam, tôi cũng muốn đọc “ngược” nếu có xuất bản “ngược”. Chị Cao Thu Hiệp, phường 7, TP Tuy Hòa nói: “Em tôi thường đọc truyện. Một hôm tôi vô tình thấy bìa quyển truyện Conan nổi tiếng in ngược ngạo, tưởng rằng NXB in nhầm không ngờ sách in đúng. Tôi không hiểu sao truyện bằng tiếng Việt mà in phong cách Nhật”.

Cô Nguyễn Thị Nhượng, giảng viên Tâm lý học Trường đại học Phú Yên phân tích: Sự tràn ngập của văn hóa Nhật Bản trên sách báo và internet khiến học sinh tiếp thu một cách tự nhiên cũng là chuyện dễ hiểu. Sở dĩ học sinh, sinh viên thích đọc truyện ngược là vì tâm lý tuổi mới lớn rất dễ có khoái cảm với cái mới, cái lạ. Sự hấp dẫn đó dẫn đến không muốn duy trì thói quen cũ là đọc xuôi từ trái qua phải. Truyện tranh Nhật Bản vốn đã hấp dẫn về nội dung nay lại mới lạ về hình thức càng khiến cho sự háo hức của độc giả tăng cao. Tuổi học sinh hay “a dua” theo đám đông sẽ không nghĩ ngợi gì nhiều, cho nên rất dễ tiếp nhận văn hóa ngoại quốc dẫn đến dễ quên đi giá trị truyền thống cũng là chuyện thường tình. Chính vì thế, để định hướng học sinh không theo trào lưu chỉ có cách là phải in “xuôi” truyện Nhật Bản. Nếu truyện Nhật Bản đọc trên văn bản tiếng Nhật thì được, chứ đọc trên văn bản tiếng Việt là điều không thể chấp nhận được đặc biệt là về mặt truyền thống.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá nói: Chúng ta phải nhìn vào bản chất của sự việc này một cách khách quan nhất. Chuyện đọc ngược từ phải qua trái truyện tranh Nhật Bản không phải là lỗi của học sinh. Vì NXB in sách “ngược” đương nhiên học sinh sẽ đọc truyện “ngược” và việc đọc ngược có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của học sinh là trách nhiệm của NXB. Việc để giáo dục cho học sinh có một vốn kiến thức cơ bản hầu tiếp thu có chọn lọc, hòa nhập mà không hòa tan trong thế giới tràn ngập thông tin cả tốt lẫn xấu này là trách nhiệm không chỉ của gia đình, nhà trường. Theo tôi, toàn xã hội phải vào cuộc để hướng dẫn học sinh biết phân biệt cái đúng, cái hay mà học tập, tiếp thu…

TUYẾT DIỆU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek