Thứ Sáu, 25/10/2024 15:19 CH
Mãi là những người bạn lớn của các em
Thứ Tư, 01/06/2011 14:00 CH

Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương khóa I (1980 -1985) viết về cuộc gặp gỡ giữa các cô, các bác, các anh chị từng làm công tác Đoàn - Đội các khóa vừa tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

 

bac-chau110601.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm với các cháu thiếu nhi. - Ảnh:C.T.V

 

Hội trường “Khách sạn Khăn Quàng Đỏ” Hà Nội tưng bừng lộng lẫy cờ hoa. Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương trẻ trung, vui vẻ và xúc động, trân trọng tay bắt mặt mừng chào đón các cô, các bác, các anh chị Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương các khóa, các cán bộ công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn qua các thời kỳ và những người bạn lớn của thiếu nhi cả nước nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Những mẫu chuyện của các cô, các chú, các anh, các chị phụ trách Đội, lúc lắng đọng, lúc âm vang cứ dài mãi, dài mãi từ Nà Mạ-Hà Quảng Cao Bằng đến Bến Tre, Đồng Tháp qua khu V dằng dặc miền Trung, dài theo hai cuộc kháng chiến trường kỳ, theo những bước chân nhỏ của em giao liên trên đỉnh Trường Sơn, theo sải cánh chim bằng vượt Cửu Long giang sóng gió, xa tít Cà Mau. Câu chuyện dài như nối lại những nét hằn trên những vầng trán của các cô, các chú bao năm chăm chút, lo toan cho sự lớn lên của các em.

 

Những chiến công thầm lặng, những kỷ niệm buồn vui mà các cô, các chú kể về đàn em nhỏ của mình, chính là vẽ lại bức tranh toàn cảnh lịch sử các thế hệ công dân, các thế hệ chiến sĩ được trưởng thành trong tình yêu thương của Bác Hồ, của dân tộc mà các cô, các chú, các anh, các chị là người dìu dắt đầy tin cậy.

 

Cuộc hàn huyên chuyển một cách tự nhiên sang cuộc hội thảo khoa học về lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đội để đáp ứng yêu cầu giáo dục thế hệ thiếu nhi trong thời đại mới. Một khoa học rất đặc trưng về lý luận và thực tiễn của công tác thiếu nhi.

 

Em Liên đội trưởng Trường THCS Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội đột ngột đặt câu hỏi:

 

- Thưa bác Lê Thanh Đạo, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương khóa I, cái gì đã làm ra sự dũng cảm và trí thông minh để bác bắn rơi 6 máy bay giặc Mỹ?

 

Câu hỏi thật bất ngờ - Anh Đạo và cả hội trường cười vang.

 

- Cái gì à?

 

- Cái “anh bộ đội đến nhà… cho em lòng dũng cảm…”

 

Câu trả lời cũng thật bất ngờ và dí dỏm của anh Chủ tịch Hội đồng Đội năm xưa thật đáng yêu!

 

Anh là học sinh xuất sắc Trường cấp 3 Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, anh vào Trung đoàn không quân tiêm kích Lam Sơn, lái máy bay Mig 21, mang số hiệu 5088, xuất kích 10 lần, bắn rơi 6 chiếc F4H-Fantom-con ma-thần sấm. Anh được phong danh hiệu Anh hùng không quân, là ủy viên Hội đồng Nhà nước, là Bí thư thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đoàn và đặc cách làm Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Đảng, Đoàn đã tìm ra người thủ lĩnh xứng đáng dẫn đường bay cho hàng triệu thiếu niên Nam-Bắc tiến vào cuộc rèn luyện mới.

 

Công tác thiếu niên nhi đồng có nhiều khởi sắc. Các “cuộc hành quân theo bước chân người anh hùng”, phong trào “tìm địa chỉ đỏ”, công tác Trần Quốc Toản, “đôi bạn cùng tiến”, các “kế hoạch nhỏ” đã hấp dẫn thu hút đông đảo thiếu nhi trong nhà trường và ngoài xã hội tham gia thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” phấn đấu trở thành con yêu, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

 

Hội đồng Đội Trung ương cũng như Hội đồng Đội các cấp, các địa phương là nơi tập hợp được rộng rãi những người có lòng yêu trẻ nồng nàn, có năng khiếu, có nghệ thuật hấp dẫn trẻ, những nhà báo, nhà tâm lý, nhà sư phạm, các lực lượng xã hội tự nguyện, nhiệt tình, hăng hái tham gia vào công cuộc giáo dục thế hệ trẻ. Công tác Đội thiếu niên trở thành một nội dung, phương pháp đặc trưng góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường xã hội chủ nghĩa.

 

Bác họa sĩ danh tiếng Lương Xuân Nhị nói niềm hạnh phúc và tự hào lớn nhất của đời ông là được nhìn thấy chiếc huy hiệu “Búp măng non” do ông vẽ lấp lánh trên ngực đàn em nhỏ.

 

Bác Nguyễn Phong Nhã, người phụ trách đầu tiên Đội Thiếu niên cứu quốc Hà Nội đã bước vào tuổi 90 đang nằm viện, không đến được với mọi người. Bác gửi lòng mình vào những trang đầu của cuốn “Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”. Bác là người dẫn đầu đoàn thiếu nhi Hà Nội diễu hành trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, cuộc diễu hành quanh Hồ Gươm mừng Trung thu độc lập đầu tiên và cũng là người được Bác Hồ gọi lên hướng dẫn cách tổ chức, lãnh đạo giáo dục thiếu nhi.

Bác Hồ dặn:

 

- Các chú chăm lo các cháu học tập là rất tốt. Nhưng chớ cho các cháu tuần hành nhiều vừa bêu nắng vừa bụi bặm.

 

- Phải tổ chức Đội cho các cháu bán báo, đánh giầy, đánh mũ. Các cháu này đang sống tự lập, cần phải dìu dắt…(1)

 

Thực hiện lời Bác dạy, ít lâu sau, Đội Thiếu niên bán báo Hoàng Văn Thụ thu hút nhiều em nghèo khổ, lang thang vừa làm nghề kiếm sống vừa làm nhiệm vụ theo dõi địch, bảo vệ cách mạng, làm nòng cốt trong đội giao thông liên lạc, dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong những ngày đầu thủ đô kháng chiến. Và chính những ngày hoạt động ấy làm cảm hứng cho anh sáng tác bài hát bất hủ, đầu đời của con trẻ Việt Nam-Bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” và bài “Đội ca”.

 

“Cùng nhau ta đi lên… quyết xứng danh thiếu niên anh dũng nước nhà”

 

Chị Lê Thị Thúy Cảnh, người chị cả của Hội đồng Đội thủ đô tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn sách hướng dẫn 100 điệu múa cho thiếu nhi do chị sưu tầm và sáng tác. Nét mặt bà ngoại 65 ánh ngời lên niềm say mê, xuân sắc, trẻ trung một thời: Hãy tập cho các em những động tác cơ bản của điệu múa dân gian, múa tập thể, bước nhảy nhịp đôi, bước chân sáo, bước Ponca, bước Boston, bước Valse… Rồi các em tự sáng tạo ra đội hình, những điệu múa mới tùy ý thích của mình. Phải thu hút cả các em trai. Điệu nhảy, điệu múa sẽ tạo ra sự mạnh dạn, tính tập thể, nhanh nhẹn, hoạt bác, sáng tạo. Nghệ thuật cơ thể, nghệ thuật âm thanh là sự sống của mùa xuân.

 

Đội thiếu niên hiện có một nhà hướng dẫn kỹ năng công tác Đội Trung ương, tỉnh nào cũng có cung văn hóa, nhà thiếu nhi cấp tỉnh, quận, xã… Đó là một lực lượng hùng hậu cho công tác giáo dục trẻ.

 

Người cán bộ thiếu niên là người dấn thân cho trẻ, nhà hoạt động mang tính tích cực xã hội sâu sắc, không vụ lợi, ăn nhờ cơm cha mẹ mà làm việc cho trẻ con đường phố, xóm làng… Để làm tròn nhiệm vụ trọng đại ấy, cần có đội ngũ cán bộ đông đảo, yêu trẻ, vững vàng chuyên môn, tấm lòng cao cả. Đó là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn xã hội mà ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên lãnh vai trò chủ lực theo đặc trưng chuyên môn của mình.

 

30 năm về trước, trong cả nước mới chỉ có một trường Đoàn, một trường Đội Trung ương để đào tạo cán bộ Đoàn Đội. Nhận thấy tầm chiến lược và nhu cầu to lớn của công tác này, lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang(2) đã đề nghị Bộ Giáo dục và Hội đồng Đội Trung ương cho phép trường mở chuyên ngành đào tạo giáo viên Đoàn Đội. Được sự chấp nhận của Bộ và Trung ương Đoàn, nhà trường tự xây dựng chương trình đào tạo giáo viên các môn: Văn - Đoàn Đội, Sử - Đoàn Đội, Chính trị - Đoàn Đội… Tuyển chọn các cán bộ Đội giỏi, các giáo viên văn hóa có nhiệt tình, hứng thú với công tác thiếu nhi đưa về trường Đoàn Đội Trung ương tập huấn và từ năm học 1986-1987 mở khóa đào tạo giáo viên Đoàn Đội đầu tiên. Quả thật, các lớp giáo viên Đoàn Đội đã làm nòng cốt trong các hoạt động của nhà trường. Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang khởi sắc, tưng bừng, tươi trẻ, chất lượng đào tạo được nâng cao toàn diện. Qua thí điểm, chương trình được Bộ Giáo dục và Trung ương Đoàn nghiệm thu. Chương trình đào tạo giáo viên 2 môn: Văn hóa - Đoàn Đội được triển khai trong toàn hệ thống các Trường Cao đẳng Sư phạm cả nước. Sinh viên CĐSP chuyên ngành Đoàn Đội ra trường được bố trí vừa giảng dạy bộ môn văn hóa - vừa làm công tác Tổng phụ trách Đội, được vào biên chế ngành giáo dục, có lương bổng ổn định. Người cán bộ phụ trách Đội phấn khởi, yên tâm công tác. Đội ngũ giáo viên - Đoàn Đội từ các Trường Cao đẳng Sư phạm dần lấp kín ở các trường tiểu học - THCS trong cả nước. Chức danh người giáo dục viên, giáo viên - Tổng phụ trách Đội xuất hiện từ đó và có vị thế xứng đáng trong Hội đồng sư phạm nhà trường, nhiều người đã trở thành hiệu phó, hiệu trưởng, cán bộ Đoàn, cán bộ giáo dục các cấp…

 

Cùng với việc Bộ GD-ĐT công bố 9 chủ điểm trong chương trình giáo dục ngoại khóa vào biên chế năm học(3) sự phối hợp, kết hợp trong tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động giữa giáo dục và Đoàn Thanh niên các cấp ngày càng chặt chẽ. Hiệu quả giáo dục ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng.

 

Tiêu biểu cho sự gắn kết tốt đẹp ấy là hình ảnh của đồng chí Hồ Trúc, người đã cùng đồng chí Vũ Quang (Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa đầu tiên năm 1945) tổ chức xây dựng, lãnh đạo Đội Thiếu niên cứu quốc từ tháng 4 năm 1945. Đồng chí Hồ Trúc được Nhà nước cử làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng đồng chí vẫn tự nguyện làm thường trực Trung ương Đoàn và Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương khóa I. Hôm nay vắng đồng chí Hồ Trúc, ông đã đi vào cõi vĩnh hằng. Song hình ảnh và tình yêu của ông vẫn sáng mãi với những trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Trong lịch sử vẻ vang của thiếu nhi nước Việt có những trang vàng của thiếu nhi vùng đất Phú Yên. Nếu ở đỉnh đầu biên cương phía Bắc Nà Mạ, Cao Bằng vào những ngày đầu khởi nghiệp của Đội có tấm gương tiêu biểu chói ngời của Đội trưởng Kim Đồng, nếu chiến công đầu của Nam Bộ kháng chiến chống Pháp sáng rực lên ngọn đuốc sống của Lê Văn Tám thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở khúc ruột miền Trung có tiếng nổ lẫy lừng của Đội viên 15 tuổi Nguyễn Xuân Công(4) ở vùng quê Đồng khởi Hòa Thịnh anh hùng tiêu diệt 4 tên ác ôn, bảo vệ đoàn cán bộ Đảng thoát khỏi tay giặc.

 

Qua 20 năm đất nước xây dựng, đổi mới, trong hành trình chung của đất nước quê hương, thiếu niên Phú Yên tiếp tục lập nên những thành tích đáng tự hào. Trên trăm ngàn đội viên được giáo dục và rèn luyện trong 275 liên đội, trong hàng trăm trường tiểu học và THCS được sự dìu dắt trên 200 cán bộ Tổng phụ trách Đội và hàng ngàn cô giáo thầy giáo được trẻ hóa dày dạn kinh nghiệm, đổi mới kỹ năng.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Đoàn và hoạt động của các ngành, các cấp trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn đã hình thành một mặt trận rộng lớn trong công cuộc đấu tranh để bảo vệ, giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, mầm non của đất nước, giữ gìn và phát huy ngọn lửa truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, tôi may mắn được học ở anh mấy bài vỡ lòng về nhạc lý, ký âm, xướng âm khi anh phụ trách Ban Văn - Thể - Mỹ ở khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc từ năm 1955. Trước đó anh là Đại Đội trưởng, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm, lúc khoan, lúc nhặc, lúc xa xăm, lúc sôi nổi như mang cả một miền ký ức, một giàn đại hợp xướng về tình yêu tuổi trẻ đến với đại lễ của các em.

 

Ta nghe thấy tiếng hát bi bô “Trường của chúng em là trường mầm non” thấy lấp lánh “chiếc đèn ông sao”, nghe thôi thúc tiếng kèn đồng trong “Tiến lên Đoàn viên”; tiếng hát có rực rỡ màu sắc “Đêm pháo hoa” có “màu cờ tôi yêu”, có niềm tin thiết tha “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng” và có cả cảnh đại khải hoàn “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Các thế hệ thanh thiếu niên chúng ta sung sướng tự hào được lớn lên theo những bài ca đi cùng năm tháng, đi cùng cuộc trường chinh của đất nước, của bao chiến sĩ, nhạc sĩ và của anh Phạm Tuyên. Anh nói không có giải thưởng nào cao hơn, không có hạnh phúc nào lớn hơn là những lời hát tâm huyết của mình được hát trong triệu trái tim yêu nước thương nòi. Anh nói, hôm nay tôi trẻ lại tuổi 38 (năm nay anh 83 tuổi) đầy nhiệt huyết, tôi lại viết tiếp bài ca “Chiếc gậy Trường Sơn” kiêu hùng bằng tiếng hát những con tàu mở đường ra biển lớn, mang đá ra xây dựng Trường Sa(5) để biến những đảo chìm thành đảo nổi(6), thành cuộc sống sinh sôi nẩy nở trên biển đảo xa xôi, để tiếng hát của thế hệ trẻ Việt Nam át cả sóng Biển Đông đồng vọng về đất mẹ, để khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu và lòng tự tôn dân tộc.

 

Ta đi suốt cuộc đời rồi sẽ gặp nhân loại

Ta ca hát suốt một đời hiến dâng cho tuổi trẻ

Ta làm ông, làm bà, làm cán bộ Đoàn Đội - Ta mãi mãi là những người bạn lớn của các em!

 

Những lời tâm huyết của người bạn lớn các thế hệ thiếu niên, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là tâm niệm của tất cả các cô bác, anh chị các thế hệ làm công tác thiếu niên nhi đồng có mặt trong ngày lễ.

 

Tiếng hát Đội ca trong trẻo, trầm hùng lại vang lên rộn rã: “Đi ta đi lên, nối tiếp bao anh hùng…”. Tiếng hôm qua và tiếng mai sau của mùa xuân dân tộc.

 

------------

(1) Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - XNB Thanh Niên - năm 2001-2011 - Trang 42.

(2)(3) TS. Nguyễn Xuân Đàm - Ủy viên HĐ Đội Trung ương khóa I - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang đề xuất chương trình đào tạo Giáo viên - Đoàn Đội. Chủ biên 9 chuyên đề chương trình sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường phổ thông, Viện KHGD. Bộ Giáo dục năm 1983.

(4) Thủy chung cùng năm tháng - Nguyễn Duy Luân, NXB Chính trị Quốc gia năm 2011 - Trang 238-242

(5) Phong trào được phát động từ Báo Tuổi Trẻ

(6) Tuyên ngôn của đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

  

NGƯT-TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM

(Nguyên Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương khóa I (1980-1985)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek