Thứ Sáu, 25/10/2024 17:24 CH
Chủ tịch xã thế hệ 8X
Thứ Tư, 04/05/2011 08:00 SA

Tôi về xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) trong những ngày cuối tháng 4, đi qua những triền đồi xanh bạt ngàn của lúa, của sắn, của bắp. Những màu xanh đó là công sức, mồ hôi của dân làng khi biết đổi mới cách nghĩ, cách làm, kết hợp giữa sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng… Trong đó có đóng góp không nhỏ của chủ tịch xã 8X miền sơn cước K’so Y Ðen.

 

Y-Den110504.jpg

Y Đen (bên trái) nhận quà tặng của Đoàn cơ sở Viễn thông Phú Yên trao cho xã Ea Lâm. - Ảnh: V.TÀI

 

LÀM ÐỂ DÂN TIN

 

K’so Y Đen kể, từ nhỏ, anh đã sớm theo bố mẹ lên nương trồng trỉa lúa, bắp. Không ngại khổ, nhưng nhìn phương thức canh tác phát, đốt, trỉa của gia đình cũng như dân làng, anh thấy rằng không có chữ, không nắm bắt khoa học kỹ thuật, cứ làm theo tập quán cũ thì chỉ có đói, khổ và làm nghèo rừng, bạc đất. Vì vậy, theo anh: “muốn đuổi con ma đói trước hết phải đuổi con ma dốt đi thôi”.

 

Năng nổ, ham học hỏi và có nhiều cống hiến, đầu năm 2006 K’so Y Đen được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm. Ba năm sau, anh được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch UBND xã này khi vừa tròn 28 tuổi. Lúc đó, anh được xem là người ít tuổi đầu tiên, duy nhất của tỉnh Phú Yên đảm nhiệm công việc nặng nề trên. Vì vậy, anh  được đồng bào và bạn bè mình tôn vinh như một “thủ lĩnh” trẻ miền sơn cước như Ea Lâm… “Ban đầu mình lo lắm! Đảm nhận trọng trách lớn như vậy, mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba bình thường. Bởi để thay đổi được tư duy, tập quán đốt rừng làm nương rẫy hàng ngàn đời nay của bà con nơi đây là vấn đề vô cùng khó khăn, trong khi mình chỉ là một thanh niên trẻ chưa hiểu nhiều về cuộc sống”, K’so Y Đen bộc bạch.

 

Những ngày đầu gánh trọng trách trên vai, một số người dân ở các buôn làng trong xã còn hoài nghi về năng lực của anh. Họ nói: “Những người từng trải qua chiến tranh, từng hiểu dân, hiểu nhu cầu cuộc sống đến từng chân tơ kẽ tóc còn chưa ăn ai, trẻ như nó thì làm nên trò trống gì”. Thế nhưng, sau ba năm trên cương vị Chủ tịch UBND xã, K’So Y Đen đã đánh thức vùng quê nghèo khó. “Gần dân, hiểu dân và tận dụng sức mạnh của nhân dân. Dân đồng lòng thì việc gì cũng xong. Cụ thể như việc di dân để nhường đất xây dựng Thủy điện Sông Ba Hạ”, K’so Y Đen cho biết bí quyết của mình.

 

Phụ trách một địa bàn tình hình an ninh trật tự địa phương khá phức tạp như lâm tặc mua bán, vận chuyển gỗ lậu, nhiều người dân bị những phần tử xấu lôi kéo tham gia phong trào Đề ga; kích động đòi lại đất đai…, có lần anh kiên quyết xử lý kẻ xấu thì bị chúng trả thù bằng thủ đoạn đốt rẫy, giết gia súc, nhưng anh vẫn đấu tranh kiên quyết đối với các đối tượng mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Làm Chủ tịch UBND xã, nhưng K’So Y Đen sẵn sàng cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con. Nhờ thế, anh ngày càng chiếm được lòng tin của người dân…

 

QUYẾT TÂM XÓA ÐÓI GIẢM NGHÈO

 

K’so Y Đen cho biết, do xuất phát điểm thấp nên số hộ nghèo theo chuẩn mới trong toàn xã hiện còn khoảng 120 hộ, chiếm tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên, xã quyết tâm giảm bình quân mỗi năm từ 1,5-2% hộ nghèo. Điều lạc quan là 3 năm trở lại đây, số hộ nghèo ở Ea Lâm đã giảm và số hộ khấm khá tăng lên đáng kể nhờ có chủ trương đúng đắn.

 

“Mấy năm nay nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, đời sống dân làng đã thay đổi. Nhưng làm cách nào cho dân mình biết vươn lên làm giàu cũng là chuyện khó. Chỉ riêng việc Nhà nước xây cho bể chứa nước sạch, rồi bắt ống dẫn về trong thôn mà bà con mình còn chưa có ý thức giữ gìn. Đường dẫn thì bị tắc mà không biết sửa. Vòi nước không khóa lại cứ để chảy suốt ngày đêm, cuối cùng hỏng cả bể nước. Năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế của xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm, nhưng cũng sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu này vì thời tiết diễn biến phức tạp”.

 

Những lời tâm sự của K’so Y Đen chân chất như vùng đất quê anh. Anh không hề giấu giếm cái khổ, cái lạc hậu để tìm cách khắc phục. Nhưng nhìn lại, trong mặt bằng kinh tế chung của huyện Sông Hinh, xã Ea Lâm đang như chú gấu qua kỳ ngủ đông, vươn mình đứng dậy đi những bước vững chắc trên con đường xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên quê hương. K’soY Đen chia sẻ: “Hiện nay mặt bằng trình độ dân trí của xã còn thấp. Chúng tôi rất cần một đội ngũ cán bộ trẻ năng động, am hiểu khoa học kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp... để giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, phát triển kinh tế”. Là một cán bộ xã trưởng thành từ cơ sở, K’so Y Đen hiểu, đối với những xã miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ea Lâm, đào tạo cán bộ trẻ là con em các thôn, buôn thuận lợi hơn việc đưa cán bộ từ các nơi khác đến. “Hiểu rõ về phong tục tập quán, sẽ nắm bắt được tâm lý bà con cần gì và dễ dàng hơn trong việc vận động bà con chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ cũng quan trọng không kém việc tăng cường trí thức trẻ nơi khác đến để tạo sự hài hòa trong việc nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, góp phần giúp dân làng bớt khổ, không còn lạc hậu và mù chữ ...”, K’So Y Đen bộc bạch.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ðội tình nguyện 360
Thứ Tư, 27/04/2011 07:00 SA
Thực hiện nhiều mô hình sáng tạo
Thứ Tư, 20/04/2011 11:00 SA
Diễn đàn của lính trẻ biên phòng
Thứ Sáu, 15/04/2011 18:00 CH
Những mầm xanh tin học
Thứ Tư, 13/04/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek