Thứ Tư, 22/01/2025 13:41 CH
Trong anh, trong tôi, trong trái tim mọi người
Thứ Hai, 31/10/2005 09:19 SA

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử là khúc khải hoàn trong bản trường ca đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đưa non sông thu về một mối của dân tộc Việt Nam.

 

Sau ba mươi năm sống trong hòa bình và độc lập, chúng ta vẫn luôn nhớ về những người con anh hùng đã làm nên những điều kỳ diệu cho Tổ quốc, cho quê hương. Đó luôn là động lực, là niềm cổ vũ to lớn cho thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đọc những dòng nhật ký bi tráng của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tôi có thêm cơ hội hiểu hơn về họ, về một thế hệ thanh niên mang trong mình ngọn lửa yêu nước cháy bỏng, sục sôi lòng căm thù giặc. Với tôi, cái hay, cái đẹp nhất của hai cuốn nhật ký này là những điều giản dị, chân thực nhất xuất phát từ cảm xúc của những người trẻ tuổi với bao trăn trở, ước mơ, hoài bão và cả những phút dằn vặt với bản thân mình trước cuộc sống, trước hoàn cảnh.

 

Cống hiến sức trẻ vì quê hương - Ảnh: D.T.X

Cả hai cuốn nhật ký đều để lại những ấn tượng tốt đẹp trong tôi về một thế hệ thanh niên luôn dành những tình cảm lớn lao cho Tổ quốc. Đặng Thùy Trâm - người con gái có trái tim tràn đầy tình yêu, khát vọng và lý tưởng sống cao đẹp, Nguyễn Văn Thạc - chàng trai có tâm hồn cao thượng giàu đức hy sinh và yêu thương. Họ yêu nước nên niềm khát khao của họ càng thêm mãnh liệt và cháy bỏng: “Phải lớn lên, phải to ra cho kịp tầm cao lịch sử. Cánh tay này sẽ bóp nghẹt cổ quân thù”. Và với Đặng Thùy Trâm thì tình yêu quê hương đã trở thành cảm xúc thường trực trong suy nghĩ và hành động của chị: “Đất nước ơi, bao giờ cho nhớ thương nguôi bớt, bao giờ cho đất nước thanh bình?... Người cộng sản rất yêu cuộc sống. Cuộc sống mà con người ta đã đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương suốt hai mươi ba năm”. Đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi chợt nhớ đến câu danh ngôn nổi tiếng: “Tính mạng đáng quý, tình yêu có giá trị cao, nhưng vì tự do cả hai có thể hy sinh”. Họ đã hy sinh cho lý tưởng đó.

 

Chị Trâm, anh Thạc đã viết nhật ký không chỉ cho riêng mình, mặc dù anh Thạc “sẽ biến những trang giấy này thành ngọn lửa hun cay xè mắt tiễn biệt tôi”, mà họ đã viết cho chúng ta hôm nay. Chị Trâm đã tự nhắc nhở mình trong cách sống: Sống ở đời phải biết khiêm tốn nhưng đồng thời phải có lòng tự tin, một ý thức tự chủ. Nếu mình làm đúng hãy cứ tự hào với mình đi. Lương tâm trong sạch là liều thuốc quý nhất. Phải hiểu điều đó để lấy điều đó làm cơ sở tự tin cho mình”, “Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng”. Còn với anh Thạc: “Mình  mong mỏi sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách. Mình sẽ sống, say sưa, chân thành, cởi mở, trong sáng. Mình sẽ xứng đáng với lòng tin của mọi người, sẽ sống cuộc đời đẹp đẽ nhất ở trên trận tuyến đánh quân thù mà Lê Mã Lương, mà Vương Đình Cung hằng ao ước và đã sống đẹp đẽ”. Một nét đẹp nữa trong nhật ký của chị Trâm và anh Thạc là anh chị đã sống, đã chiến đấu và hy sinh đúng như những suy nghĩ, những trăn trở trong cuộc đời của anh chị. Những suy nghĩ đó như là tấm gương soi để anh chị tự răn mình và thực hiện tốt. Phải chăng, đó là điều mà ta phải học tập!

 

Chị Trâm, anh Thạc là những tấm gương tiêu biểu của một thế hệ thanh niên yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà giờ đây chúng ta được biết đến qua những trang nhật ký đầy xúc động và tự hào của họ. Cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay đã được đổi bằng máu xương, nước mắt và sự hy sinh của những người như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao, Nguyễn Thượng Lân, Lê Binh Chủng…

 

Làm gì để xứng đáng với sự hy sinh, kỳ vọng của các thế hệ thanh niên đi trước, với gương sáng của chị Trâm, anh Thạc và các anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi? Chắc chắn mỗi người sẽ có suy nghĩ và hành động riêng, nhưng tôi tin rằng tất cả những cái riêng đó đều hướng đến một mục đích - sống đẹp, sống có ích, như anh Thạc hy vọng và tin tưởng “… đẹp biết mấy những cái mới, cái tươi rói của cuộc sống xã hội chủ nghĩa đang nảy lộc đâm chồi trên Tổ quốc ta”.

 

Những dòng nhật ký đầy tự hào ấy đã và sẽ mãi mãi được lưu giữ trong tâm hồn của mọi người như lời hát của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương “những trang nhật ký như ngọn lửa cháy, thắp sáng tuổi hai mươi, trong anh, trong tôi, trong trái tim mọi người”. Chúng ta hãy đọc những dòng nhật ký đầy ý nghĩa của anh Thạc: “Ý nghĩ về ngày mai chiến thắng… Ừ, hôm nay mình chợt nhớ ra rằng, đây chính là hạnh phúc bất diệt mà những người khác, nhiều người bạn khác của mình không được hưởng… Mình chợt nghĩ rằng, ngày mai khi đất nước chiến thắng rồi, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, mình sẽ là gì? Úp bàn tay lên má, lên mặt và nghĩ về tương lai. Không chẳng có gì đáng lo ngại cả. Lúc đó sẽ đi học, chắc là không muộn, không bao giờ muộn cả…”

 

Xin mượn câu danh ngôn sau đây để khép lại bài viết này: “Trước một con người vĩ đại - tôi cúi đầu. Trước một trái tim vĩ đại - tôi quỳ gối”.

 

NGUYỄN KHÁNH MINH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek