Hoạt cảnh "Tiếp lửa truyền thống" của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh - Ảnh: Văn Tài |
Có thể nói, có khá nhiều nhật ký, hồi ký của thế hệ đi trước đã được đăng tải: Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc; Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân… Với tôi – Nhật ký Đặng Thùy Trâm để lại nhiều ấn tượng và trăn trở hơn cả… Là một nữ bác sĩ trẻ, con một gia đình trí thức, hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể ở lại hậu phương miền Bắc, góp tay xây dựng CNXH, gián tiếp chi viện cho tiền tuyến… Thế nhưng bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, theo tiếng gọi của miền Nam, họ là những người đã tình nguyện đi vào nơi ác liệt của cuộc chiến, trụ lại dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù để chiến đấu, phục vụ chiến đấu với suy nghĩ “… từ trong gian khổ mới hiểu rõ hơn giá trị của những người Cách mạng. Đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó là người chiến thắng…”; Dẫu biết rằng “trong chiến tranh ai còn ai mất, khi nước nhà được độc lập nếu như mình có chết thì cũng được hưởng những ngày XHCN…”. Những dòng nhật ký được viết vội với khoảng thời gian hiếm hoi ngưng tiếng súng giữa hai trận đánh mà sao sống động, bình thản, chân thực, thậm chí chua xót… Sự dấn thân hoàn toàn tự nguyện của một con người khi hiểu thế nào là cuộc sống có lý tưởng, có mục đích cao đẹp. Chị Trâm đã viết: “Người Cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần có thể nhẹ nhàng mà chết được…”.
Ẩn sâu trong những trang nhật ký là nỗi niềm của một người con gái, là sự cô đơn, yếu mềm cần được cảm thông và chia sẻ, là những day dứt của một mối tình đã xa… dù đó là điều tối kỵ lúc bấy giờ… Mặc dù là một người hết lòng tin tưởng vào lý tưởng, song ở chị không bị những điều cấm kỵ ấy chi phối. Với sự nhạy cảm của người con gái Hà Nội, chị suy nghĩ và lắng nghe những trăn trở, băn khoăn… từ nơi sâu thẳm của lòng mình. Chị đã ghi lại một cách rất thực những phút giây đời thường với đầy đủ buồn vui, yêu ghét, giận hờn, kể cả cái chết luôn luôn rình rập từng giây… Có thể nói đây chính là điều thuyết phục người đọc nhất của cuốn nhật ký, thể hiện rõ tính cách của một người con gái: Can trường, mãnh liệt nhưng cũng rất yếu mềm, thậm chí đôi khi tự ti khi soi lại lòng mình… Nhưng chị ơi – với tôi – đó chính là điều cơ bản của cuộc sống… Mác đã viết “Hạnh phúc là đấu tranh”.
Chúng ta, những người được sống trong hòa bình, được hưởng nền độc lập, tự do hôm nay không thể quên và không được quên những người đã hiến dâng tuổi 20 của mình cho nền độc lập, thống nhất đất nước; bởi vì đó là sự hy sinh, cống hiến vô giá, không phải chỉ là những người như cha mẹ tôi, như chị Trân, anh Thạc, anh Lân… mà là của cả một thế hệ. Có cảm nhận được như vậy mới thấy được giá trị của độc lập tự do và càng thấy vai trò, trách nhiệm cũng là nghĩa vụ của thế hệ hôm nay – những người như tôi – trong công cuộc xây dựng lại quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn của Bác Hồ kính yêu, của chị Trâm, anh Thạc… của bao người con đã ngã xuống để lá cờ Tổ quốc hôm nay phần phật bay trong gió hòa bình, thắm màu hơn trong nắng độc lập, kiêu hãnh trong nền trời tự do.
Phó Bí thư Đoàn khối cơ quan DCĐ Phú Yên