Thật kỳ lạ, lần thứ hai đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi 20 sự xúc động vẫn trào dâng trong tôi mãnh liệt. Tôi cảm nhận được nhiều điều mới mẻ hơn từ hai người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi này. Xúc động lắm, tự hào lắm và ngưỡng mộ vô cùng ý chí quyết tâm, nhân cách sáng ngời, tâm hồn nồng nàn yêu thương và chia xẻ của anh chị. Trong mưa bom bão đạn trong sự khắc nghiệt của cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt, trong chia ly, đau thương và mất mát, từng nét bút, từng dòng chữ cứ như những ánh lửa tỏa sáng niềm tin vào ngày chiến thắng “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng…”.
Tình nguyện về vùng sâu khám bệnh cho bà con dân tộc ít người |
Chiến trường B bao nhiêu năm gồng mình trước sự tàn phá của bom đạn. Một Đức Phổ từng bị B52 cày nát mà vẫn kiên cường chiến đấu, một thành cổ Quảng Trị chịu đựng biết bao đạn bom của kẻ thù mà vẫn hiên ngang. Còn nhiều, rất nhiều quê hương khác nữa đã đón nhận những người con ưu tú của Tổ quốc, những chàng trai cô gái tuổi 20 với “những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô những ước mơ hiền dịu nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc”. Và rồi, máu của họ đổ xuống nơi đây, nước mắt của họ rơi xuống nơi đây, thân xác của họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, hòa vào lòng đất mẹ. Họ hy sinh, để lại bao nhiêu tiếc thương cho người còn sống. Nhưng với họ, chết vì Tổ quốc là vinh quang, là tự hào. Bởi khi họ mang trong mình lòng yêu nước sâu sắc, sự căm thù, phẫn nộ cao độ về tội ác mà giặc Mỹ gây ra cho những người dân vô tội, cùng với lời hứa nhất định sẽ trả thù cho những đồng đội thân yêu của mình thì cái chết với họ có gì là ghê gớm? “Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được”. Câu chuyện bác sĩ Đặng Thùy Trâm một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn mình đến hơi thở cuối cùng khiến tôi suy nghĩ mãi. Và anh Thạc, khi bị mảnh pháo cắt ngang đùi trái, mất quá nhiều máu, đồng đội của anh lo lắng, anh đã nói rằng “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi… chỉ tiếc không còn chiến đấu được nữa… bao dự định còn dang dở”. Vâng, rất nhẹ nhàng và thanh thản, một khi đã ra trận thì phải xả thân. Thời ấy, giữa sự sống và cái chết có một ranh giới rất mong manh thế nhưng anh Thạc vẫn lạc quan nhắn nhủ với những “lính mới” rằng: “Đi bộ đội bình thường thôi – giản dị mà lên đường và khiêm nhường khi trở lại”. Ôi! Cách nghĩ, cách sống giản dị mà cao đẹp. Tâm hồn lãng mạn, tình yêu trong sáng và sự hy sinh quên mình của những người lính trẻ khiến chúng ta cảm nhận rằng họ đã yêu cuộc sống này đến dường nào “chết mà vẫn yêu sao cuộc sống, cuộc sống mà người ta đã đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương…”.
Đất nước bước vào thời đại mới, thế hệ trẻ chúng ta được sống và làm việc trong một điều kiện hết sức thuận lợi, một cuộc sống mà tôi cho rằng quá đầy đủ so với cuộc sống thiếu thốn trăm bề, gian khổ khó khăn của ông cha ta trước đây. Chúng ta vinh dự và tự hào là lớp người trẻ tuổi được Đảng, nhà nước và toàn xã hội quan tâm, đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng. Nhiều thanh niên đã tiếp nối truyền thống cha anh, làm nên những kỳ tích, những chiến công mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ với đôi tay, khối óc cùng lý tưởng sống cao đẹp, thanh niên “rường cột của nước nhà”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi lo lắng khi hiện tại vẫn còn một bộ phận thanh niên “sống không biết đến ngày mai”. Họ không những sống hoài, sống phí mà còn làm hại đến xã hội, làm ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt
Tôi mong muốn các bạn trẻ bãy bớt chút thời gian bận rộn thường ngày, hãy tìm mua và đọc 2 cuốn nhật ký này, các bạn sẽ được soi rọi vào 2 tấm gương sáng ngời nhân cách ấy. Và tôi tin, các bạn sẽ tìm ra con đường đi của riêng mình. Hãy sống, hãy yêu thương, chia xẻ và làm việc với một tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao thì bạn sẽ thấy những gì mình đạt được là vô cùng ý nghĩa. Con đường đi tới tương lai ấy mới chính là con đường bền vững. Không ai vạch sẵn cho ta một con đường nào cả mà chính ta là người khai phá nó, ta phải nỗ lực vượt qua những đèo dốc ghập ghềnh, những gian nan thử thách thì mới đi đến thành công. Như chị Trâm, anh Thạc của chúng ta ngày xưa rất tự hào và vui sướng vì đã tự quyết định cuộc đời mình, từ tìm ra con đường đi của mình, can đảm từ chối cuộc sống của những thanh niên trí thức mà tương lai rộng mở. Anh Thạc trên chuyến xe đi về phương
Vậy thì còn chần chờ gì nữa, các bạn trẻ bãy bắt đầu đi, từ những việc làm nhỏ nhất, từ những bước đi nhỏ nhất. Đừng chậm chạp nữa và cũng không nên vội vàng quá. Sẽ không bao giờ là muộn cả khi ta đã hiểu được giá trị của cuộc sống là gì, hạnh phúc là gì. Tuổi 20 ơi, hãy bước tiếp đi, lối đi hướng tới tương lai chính là lối đi ngay dưới chân mình…
PHẠM MINH HIỀN