Chiều nay nghe Cây đàn bỏ quên, chợt nhớ mình cũng có một “cây đàn” như thế, và đã bỏ quên hai năm nay. Sang nhà chị Lunlien chơi, tình cờ thấy cây đàn bé xíu nằm bụi bặm trong góc phòng, nhớ ngày xưa nhiều lắm.
Tập đàn (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Đàn cho chị nghe. Chị thích bản nhạc Đêm thấy ta là thác đổ. Còn bé thì vui nhiều. Đặt tay xuống phím đàn, bé hồi hộp mà chẳng hiểu tại sao. Yêu thương ùa về cùng mỗi nốt nhạc, mỗi hợp âm... Chiều mưa bé về, bàn tay lạnh nhưng vẫn nhịp đều. Đôi khi người ta vui vô cớ, mà cũng có khi vui vì lắm nỗi. Cái đầu lạnh lẽo của bé tưởng đã đầy ắp nỗi lo và lắm nỗi buồn. Vậy mà có ngày “con tim đã vui trở lại”.
Lớp 3, ba mẹ cho hai chị em đi học đàn. Nếu ngày đó dì Hai không gửi cái đàn Yamaha cũ của mấy anh từ Đà Lạt về, chắc ba mẹ cũng không nghĩ tới việc cho hai kẻ “bạo loạn” trong nhà đi rèn giũa tính tình trong môi trường “nghệ thuật” như vậy. Mẹ bảo con gái phải hiền, phải ngoan, phải đằm thắm, phải... tùm lum thứ - và tóm lại là phải... đi học đàn!
Nhà ông thầy dạy đàn nằm trong con hẻm nhỏ. Hẻm chỉ có nhà thầy và một cơ sở thuốc bắc. Nhà thầy phía trước dạy đàn, phía sau trông trẻ. Bọn nhóc dễ thương và... lì dễ sợ. Tưởng tượng bạn được chơi đàn khi xung quanh thoang thoảng mùi thuốc bắc, dễ chịu và khoan khoái cực kỳ. Tôi yêu luôn cái mùi thơm thơm khét khét ấy từ lúc nào chẳng nhớ. Bỗng nhớ hồi lớp 9, lớp tôi có một thằng nhỏ mới vào, tên nó chỉ khác tên tôi mỗi chữ đệm. Nó là tổ trưởng tổ 4 còn tôi trở thành “trợ lý” bất đắc dĩ - thầy chủ nhiệm phân công như thế. Cả buổi hôm đó nó chẳng để lại ấn tượng gì cho tôi ngoại trừ một thứ - mùi thuốc bắc. Gì chứ cái mùi này thì tôi nhạy cực kỳ. Mà Tuy Hòa ngày đó thì có bao nhiêu tiệm đâu. Tôi hỏi nó ở đường nào. Nó bảo ở LTT, vậy là tôi nói chính xác ngay nhà của nó. Thằng bé ngạc nhiên lắm.
Như mẹ tôi nói, mẹ cho đi học đàn vì tôi ngày ấy ương ngạnh và đanh đá khủng khiếp. Tôi không tin học đàn có thể làm tôi thay đổi. Lúc đầu tôi tập đàn để đối phó. Ông thầy dạy đàn khó dễ sợ. Thầy hay vỗ vào lưng tôi để đếm nhịp. Lúc thầy bực mình, thầy vỗ mạnh hơn - và dĩ nhiên tôi sợ nhiều lắm. Vậy nên có những lúc tới học tôi chỉ mong sao hôm đó thầy dạy nhạc lý, phải chép bài và khỏi phải tập đàn!
Tôi nhớ ngay từ ngày đầu học đàn, thầy đã dặn trước khi đàn phải “vặn vẹo” bàn tay (như cái cách người ta khởi động trước khi chơi thể thao vậy). Tôi nhớ những lần thầy không dạy trong sách mà cho tập mấy bài hát ở ngoài, sung sướng biết chừng nào! Tôi vốn thích hát, hát một mình thôi, giờ lại biết đàn cho mình hát nữa thì càng hí hửng. Tôi nhớ khó khăn nhất vẫn là những bài tập ban đầu. Cái ngày tôi tập được cùng một lúc 3 thứ: chơi đàn tay phải, chơi hợp âm tay trái và nhịp chân cho đúng - là cái ngày con bé tôi tự hào biết bao nhiêu trước hai đứa em. Rồi lần lượt những bài tập nghịch phách, đảo phách. Không phải là tập để đối phó, để trả bài mà quan trọng tôi đã cảm nhận được sự khác nhau giữa các kỹ thuật. Tôi mơ mộng, tôi luyện đàn nhiều hơn. Và tính tình của tôi cũng thay đổi nhiều.
Học hết hai quyển sách sơ cấp, thầy bắt đầu dạy độc tấu. Dĩ nhiên là khó hơn nhiều nhưng cái cảm giác chơi được một bài nhạc “dài thật dài” cho người khác nghe làm tôi phấn khởi tập luyện. Bản nhạc đầu tiên tôi tự tập và chơi hoàn chỉnh mà không cần thầy hướng dẫn là bản Marriage D’Amour. Chỉ cần nhắm mắt lại là đã cảm thấy được từng nốt nhạc. Vậy nên tôi cũng yêu bản nhạc này nhất - dù nó chưa đủ khó hay đòi hỏi kỹ năng gì phức tạp.
Tôi vẫn chăm chỉ tập đàn. Rồi thầy giáo của tôi gặp tai nạn. Lúc ấy hình như tôi đang học lớp 8. Thầy bảo phải đi đón cô. Lát sau thấy người ta đưa thầy về. Tôi khủng hoảng vì hình ảnh lúc ấy của thầy. Và sợ hãi. Tôi nghỉ học đàn luôn dẫu sau đó tôi nghe là thầy đã khỏi bệnh. Dù nghỉ học nhưng tôi vẫn tự tập đàn ở nhà. Chơi lại những bài thầy dạy và tập những bản nhạc mới.
Câu chuyện về việc học đàn của tôi có lẽ cũng bình thường như bao người đi học đàn khác. Nhưng nếu ngày ấy không được học đàn, làm quen với âm nhạc thì tôi bây giờ đã khác rồi. Tôi thích cái cảm giác được ngồi chơi đàn vì khi ấy ngoài việc tập trung vào bản nhạc, tôi sẽ không thể suy nghĩ vẩn vơ gì được. Tôi cảm giác nhờ có học đàn mà đầu óc tôi rõ ràng và cân bằng hơn. Vui tôi cũng đàn, buồn tôi cũng đàn, chẳng có gì làm tôi cũng… đàn. Bàn học của tôi ở gần cây đàn nên tôi được chơi đàn bất cứ lúc nào tôi thích. Nhiều lúc cũng mơ mình được chơi đàn chuyên nghiệp như người ta nhưng nghĩ lại thấy không cần phải thế. Học đàn trước hết là vì mình. Cảm nhận được những điều đẹp đẽ mà các bản nhạc mang lại tự nhiên thấy tâm hồn của mình được giải phóng nhiều lắm. Tính cách của tôi trầm hẳn từ dạo ấy. Không biết như vậy là tốt hay xấu nhỉ? Chỉ biết mỗi khi tôi buồn và chẳng nói được với ai là lại lôi đàn ra đàn. Đàn nhặng xị cũng có, đàn dịu dàng cũng có. Quả thật người lớn nói gì cũng đúng. Giờ thì tôi đã tin vì sao hồi ấy mẹ kiên quyết đưa tôi đi học đàn.
Hai năm vào đại học, tôi xa cây đàn nhỏ. Đàn bám nhiều bụi, không ai chơi cũng không ai chăm sóc. Giờ thì vài phím đã “liệt”, mang đi sửa cũng chẳng để làm gì vì có ai chơi đâu. Nhiều lúc về nhà, nhìn cây đàn tôi thấy mình thật lơ đễnh.
Ở Sài Gòn mỗi khi vui, mỗi khi buồn đã hết được đàn cho mình nghe. Bỗng dưng hôm nay được tự tay đàn cho mình nghe, cho bạn nghe, tuy còn vụng về nhưng tôi vẫn cười sung sướng...
POLLY