Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh đoàn Phú Yên thì hiện có hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia góp sức mình để giữ “lửa” cồng chiêng cho buôn làng. Đây là thế hệ trẻ đã được các già làng, nghệ nhân đặt niềm tin, truyền dạy lại mọi tinh hoa nhằm duy trì sức sống vĩnh hằng cho cồng chiêng và các điệu múa Aráp…
Đội cồng chiêng thanh niên Hòa Ngãi biểu diễn phục vụ khách tham quan tại di tích nhà thờ Bác Hồ - Ảnh: V.TÀI |
Trong nhiều năm qua, tại thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), các bạn trẻ người Chăm Hroi ngoài việc bảo tồn cồng 5, chinh 3, múa trống đôi của đồng bào mình, còn thành lập và duy trì đều đặn đội cồng chiêng Ê đê và dàn nhạc, múa. Đội gồm 35 thành viên, tuổi đời từ 15-29 tuổi, do trưởng thôn Ma Nhà phụ trách tập luyện.
Ông Ma Nhà cho biết: “Khi Đội thành lập, UBND huyện hỗ trợ 15 triệu đồng để mua cồng chiêng, may trang phục và bồi dưỡng cho các già làng luyện tập”. Hằng tháng, vào ngày 15 và 16 âm lịch, các thành viên trong đội tụ tập tại nhà văn hóa thôn để luyện các bài cồng chiêng mới. Đồng thời, để các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cho các em cách đánh chiêng, cách giữ nhịp chiêng, cách hòa âm”. Em So Thị Thu (17 tuổi), thành viên trong đội múa Aráp, tâm sự: “Em đến với cồng chiêng và múa Aráp từ năm 15 tuổi. Hai mùa rẫy qua, em cũng không nhớ hết mình đã múa bao nhiêu lần để phục vụ lễ hội cho buôn làng và biểu diễn phục vụ tại khu di tích lịch sử Nhà thờ Bác Hồ”.
Cũng trẻ trung và sôi nổi như Thu, nhưng La Minh Tâm (20 tuổi) đã có “thâm niên” 6 năm trong đánh chiêng. Tâm bộc bạch: “Ban đầu, mình đến với cồng chiêng vì ham vui, nhưng sau đó thì bị tiếng cồng chiêng của người Êđê quyến rũ và theo mãi đến bây giờ”.
Không riêng gì các bạn trẻ mà gần 79 hộ dân với 378 nhân khẩu ở Hòa Ngãi luôn tự hào vì người Chăm-Hroi không chỉ biết giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào mình mà còn lưu giữ được điệu cồng chiêng của người Ê Đê anh em.
Theo Phó Bí thư Huyện Đoàn Sơn Hòa Lê Chăm Thư, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên ở các buôn làng trong huyện đều hiểu rằng tập hợp thanh niên nhanh nhất là khi tiếng cồng chiêng nổi lên người cán bộ Đoàn sẽ lồng vào đó công tác vận động ĐVTN tham gia vào các phong trào hoặc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Anh khẳng định: “Dân tộc mình không thể bỏ cồng chiêng. Ăn đám hoặc đón tết có cồng chiêng… mới vui. Giờ lại được giới trẻ hưởng ứng, tham gia tích cực thì không sợ văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tiếng cồng, tiếng chiêng không chỉ mang theo niềm vui buôn làng trong các lễ hội, mà còn thể hiện rõ ý thức bảo tồn văn hoá dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay”.
VĂN TÀI