Việt
Ít thanh niên nông thôn tìm được việc làm tại các hội chợ việc làm do không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp – Ảnh: D.T.XUÂN |
TRÌNH ĐỘ VÀ KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP THẤP
Có thể nói, khó khăn đầu tiên của thanh niên nông thôn (TNNT) chính là rào cản về trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện Xã hội học, cho biết: Qua các cuộc điều tra, nghiên cứu về việc làm - lao động gần đây của thanh niên cho thấy, chỉ có 2,7% TNNT có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, cao trong các lĩnh vực; nhân viên kỹ thuật làm trong văn phòng khoảng 1%; trong khi đó, tỉ lệ TNNT lao động giản đơn, phi nông nghiệp chiếm rất cao, khoảng 27%, và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là 32%. Tỉ lệ thất nghiệp từ độ tuổi 15-29 ở nông thôn lên tới 77%. Thực tế là, hầu hết TNNT hiện nay chỉ tìm được những công việc đơn giản, làm theo thời vụ, kém tính bền vững, với mức lương thấp. Ngay cả đối với những nhóm TNNT trụ lại ở địa phương, để phát triển kinh tế gia đình cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất và sản lượng không cao.
Trong khi đó, mức đầu tư cho nông nghiệp ngày càng cao. Không ít TNNT còn lập nghiệp bằng các ngành nghề thủ công như: nghề mộc, sơn mài, gốm… nhưng phần lớn cũng chỉ dừng lại ở trình độ kiểu “cha truyền, con nối”, manh mún tự phát không có đủ năng lực để phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Trước những khó khăn trong lập nghiệp tại địa phương, rất nhiều TNNT đã tìm giải pháp thoát ly quê nhà để lên thành phố. Tuy nhiên, do đại đa số TNNT có trình hộ học vấn và tay nghề thấp nên họ chỉ tìm được những công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh và gặp rất nhiều rủi ro như: làm thợ hồ, bán hàng rong hoặc lao động tại các khu công nghiệp với mức lương thấp. Thực tế trên cho thấy, vấn đề việc làm cho TNNT đang ngày càng trở thành vấn đề bức thiết, nan giải hiện nay.
“KHÁT” VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
Hiện nay, số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất hay phục vụ cho quá trình lập nghiệp không nhiều và không đại trà. Một cán bộ đoàn cho biết, ở địa phương anh, với số vốn 100 triệu đồng chỉ có thể cho 15 thanh niên vay để phát triển kinh tế, với mức 7 triệu đồng/người. Tuy nhiên, số đoàn viên có nhu cầu vay vốn lớn hơn rất nhiều, đó là chưa kể đến hàng trăm thanh niên ngoài Đoàn. Việc cho thanh niên vay vốn mặc dù cũng đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của TNNT hiện nay. Việc cho vay số vốn quá nhỏ và thời gian quá ngắn sẽ không có tác dụng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cảnh báo: TNNT cần có sự tư vấn đắc lực hơn trong việc sử dụng vốn vay, vì nếu vốn vay không được sử dụng có hiệu quả thì nó sẽ biến thành “hoạ”, thành gánh nặng cho chính thanh niên. Bởi thực tế nhiều chương trình, dự án cho vay vốn hiện nay chưa thực sự mang lại hiệu quả, thậm chí có không ít thanh niên sử dụng vốn không phải để đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh mà lại sắm đồ dùng sinh hoạt, xây nhà, ăn tiêu và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.
GIẢI PHÁP MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
Do trình độ học vấn của TNNT quá thấp so với nhu cầu phát triển của đất nước nên vấn đề phổ cập giáo dục trung học ở nông thôn hiện đang là giải pháp và nhu cầu cấp thiết nhằm giúp họ có điều kiện lập nghiệp trong môi trường đòi hỏi có trình độ học vấn. Điều quan trọng nữa là, Nhà nước cần có những chính sách đổi mới về giáo dục đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo những nghề kỹ thuật, công nghệ, công nghệ cao; hướng việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp với địa phương. Việc đào tạo nghề cũng nên tiến hành tại địa phương, tránh tốn kém cho TNNT. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, tạo điều kiện cho họ tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển kinh tế nông thôn, mà trong đó, chính sách hỗ trợ vốn cũng chính là một yếu tố mang tính quyết định trong quá trình lập nghiệp của TNNT
Theo TNVN