Thứ Sáu, 10/01/2025 01:45 SA
Bài đoạt giải nhì quốc tế - huy chương bạc cuộc thi viết thư UPU lần thứ 36
Thứ Sáu, 07/12/2007 13:22 CH

Kính gửi con người trên thế giới,

 

Xin gửi lời chào tới toàn thể mọi người trên toàn thế giới. Tôi viết lá thư này gửi các bạn với niềm hy vọng rằng, sau khi đọc xong thư, các bạn sẽ hành động thể theo những lời kêu cứu của tôi, đồng thời các bạn sẽ đảm bảo cho Sếu tôi không bị tuyệt chủng như một số loài động vật khác.

 

Tên tôi là Sếu Hoàng Gia. Tôi sống ở các khu vực có nhiều đầm lầy. Loại đất luôn ẩm ướt này giữ một vai trò quan trọng đối với môi trường vì nó giúp cân bằng hệ sinh thái. Đầm lầy trữ nước và tạo môi trường sống cho một số lượng lớn thực vật và động vật. Nhiều loại động - thực vật độc đáo đã được phát hiện tại các khu vực đầm lầy ví dụ như côn trùng, chim, thú cùng nhiều sinh vật nhỏ bé và cả những loại dược thảo nữa. Các loài lau sậy và cỏ ở vùng đầm lầy luôn tạo một môi trường sống tuyệt hảo cho tôi, nuôi dưỡng tôi và tạo điều kiện giúp tôi duy trì nòi giống. Nước luôn quý giá tới mức chúng tôi gọi “Nước là sự sống”. Tôi không biết có còn thứ gì quan trọng sánh được với nước hay không nếu một khi nguồn nước của chúng tôi bị cạn kiệt. Mọi sinh vật sống kể cả thực vật lẫn động vật đều cần tới nước để tồn tại. Chính những đầm lầy lại có chức năng giống như một hồ chứa nước luôn cung cấp nước và là nguồn cỏ ngay cả khi diễn ra mùa khô hạn khắc nghiệt nhất.

 

Khi tôi viết thư này gửi các bạn, môi trường sống của tôi đang biến mất một cách nhanh chóng và sự sống của tôi đang bị đe dọa. Môi trường sống của tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như: hệ sinh thái bị tàn phá, đầm lầy bị nghẽn đầy bùn, ô nhiễm và biến thành nơi canh tác, hệ thực vật bị phá hủy… và không sao kể hết được. Do nhu cầu về đất đai tăng mạnh cho nên người nông dân phải chấp nhận khai thác đất tại hầu hết các khu vực đầm lầy. Họ tháo nước, dọn sạch đầm lầy lấy đất canh tác hoa màu. Những loại cây trồng như lúa, dong, mía và một số loại rau xanh đã thay thế các khu vực đầm lầy vốn luôn đóng vai trò trong việc thanh lọc nước cho các sông, tích nước và duy trì những quá trình quan trọng có tác dụng bảo vệ thiên nhiên và loài vật như chúng tôi.

 

Rừng là nguồn mưa đồng thời cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật khác nhau như chim, côn trùng và nếu không có rừng có nghĩa là sẽ không có mưa và lương thực. Tôi sẽ chẳng còn được ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của những cánh rừng xanh thẳm cũng như không bao giờ được nghe tiếng chim hót líu lo. Bốn bề lặng ngắt hệt như một nghĩa địa.

 

Việc xâm lấn các khu vực đầm lầy khiến mực nước sụt giảm và người dân trên thế giới đã phải đào thật sâu xuống lòng đất mới có được những giếng nước. Mực nước tại các sông cũng giảm mạnh. Chính vì thế, dần dần nước đang trở thành một thứ quý hiếm và các cô, các chị sẽ phải mất công đi thật xa mới kiếm được nước. Loài người trên thế giới lấn chiếm các vùng đầm lầy và biến đất nơi đây thành các khu định cư và canh tác. Chúng tôi không thể sống sót vì những đám sậy và các bãi cỏ vừa là thức ăn nuôi sống chúng tôi lại vừa là nơi chúng tôi sinh con đẻ cái nay không còn nữa. Đất màu từ bấy lâu nay luôn được cây cỏ bảo vệ nay bị trơ trọi và mất hết khả năng thanh lọc và giữ nước. Đất đai trơ trọi và bạc màu dẫn đến hiện tượng xói mòn và lắng bùn. Bùn lắng đọng trên phạm vi toàn bộ đầm lầy là nguyên nhân khiến khả năng trữ nước tại khu vực này giảm xuống, đồng thời phá hủy môi trường sống của nhiều loài khác nhau như chim, thú và côn trùng.

 

Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thải hàng loạt các chất thải công nghiệp chưa xử lý cùng nhiều chất độc hại khác vào các vùng đầm lầy đã khiến những khu vực này bị ô nhiễm nặng nề và làm cho nước tại đây bị nhiễm độc. Chính vì thế, hệ sinh thái đã bị phá hủy hoàn toàn. Đầm lầy bỗng dưng phải chịu họa quấy nhiễu nặng nề và biến thành nơi chẳng còn thích hợp cho loài Sếu Hoàng Gia sinh sống được nữa.

 

Cỏ dại và loài dạ lan hương cũng không còn bảo vệ chúng tôi. Chúng mọc lấn khắp đầm lầy và các khu vực sình lội khác làm giảm chất lượng nước và khiến chúng trở nên vô dụng. Chẳng mấy chốc, tôi sẽ chẳng còn nước sạch để uống khi khát, để tắm rửa và để sinh sản. Việc xả bừa bãi vào môi trường sống của tôi hàng loạt hóa chất từ các nhà máy và từ cống rãnh đã gây nên nhiều căn bệnh liên quan tới nước. Chẳng mấy chốc tôi cũng chẳng còn được hít thở không khí trong lành. Khí độc thải từ các khu công nghiệp, mùi xú uế bốc lên từ rác thải, bụi tỏa từ các khu khai thác đá, khói xả từ các phương tiện giao thông đều là nguyên nhân dẫn tới các căn bệnh liên quan tới không khí. Túi ni-lông lên tới số lượng hàng triệu cái quăng bừa bãi khắp mọi nơi khiến cho các sinh vật sống dưới nước bị nghẹt thở.

 

Loài Sếu Hoàng Gia đã có thời tôn vinh vẻ đẹp của đầm lầy cùng hàng loạt các loài chim, thú, côn trùng vô cùng đa dạng nay đang chết dần chết mòn hoặc phải di cư tới sống nơi khác bởi vì lãnh địa của chúng, nơi chúng sinh sống và sinh sản đã bị phá hủy. Điều đó đã dẫn tới tình trạng số lượng các loài động vật chúng tôi giảm sút. Những loại dược thảo quý chỉ mọc ở vùng đầm lầy đang mất dần.

 

Việc xóa sổ các vùng đầm lầy đang là mối đe dọa lớn đối với chúng tôi và với môi trường, đồng thời cũng là hiểm họa đối với sự sống của loài người trên toàn thế giới, trừ khi hàng loạt những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn hiểm họa đó được tiến hành. Loài Sếu Hoàng Gia tôi xin liệt kê một số biện pháp giúp duy trì sự sống của giống nòi, đồng thời cũng giúp cải thiện được môi trường thiên nhiên.

 

1/ Các nhà lãnh đạo cần ban hành những điều luật bảo vệ các vùng sinh thái và những kẻ xâm phạm phải bị pháp luật trừng trị.

 

2/ Cần quản lý có hiệu quả các vùng đầm lầy ví dụ như trồng các loại cây nông nghiệp thích hợp.

 

3/ Các ủy ban môi trường nên hướng dẫn và trực tiếp hành động cùng cư dân địa phương để họ sử dụng các vùng đất lầy một cách hiệu quả, đồng thời các ủy ban này phải có trách nhiệm bảo vệ đất đai cũng như sử dụng luật pháp để trục xuất những cá nhân có hành vi xâm phạm.

 

4/ Những vùng đầm lầy có nguy cơ bị xâm hại cần phải được lên kế hoạch bảo vệ và người nông dân cần phải rời xa các khu vực này.

 

5/ Phải bắt buộc các nhà máy tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường như chấm dứt việc xả các chất thải hóa học.

 

Sống trong một môi trường trong lành và an toàn, tôi sẽ có sức khỏe tốt, có đầy đủ thức ăn, sinh sống và sinh sản một cách yên ổn và hạnh phúc đến trọn đời.

 

Với một vài biện pháp vừa nêu trên, tôi hy vọng rằng, tất cả mọi người trên toàn thế giới sẽ cùng hợp sức nhau lại để bảo vệ chúng tôi khỏi họa tuyệt chủng và bảo vệ môi trường cho các thế hệ con cháu mai sau.

 

Xin cảm ơn các bạn!

Trân trọng

SẾU HOÀNG GIA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thanh niên xung kích giữ gìn an toàn giao thông
Thứ Sáu, 07/12/2007 07:08 SA
Những vần thơ học trò
Thứ Bảy, 01/12/2007 07:00 SA
Tiếng hát của niềm tin yêu cuộc sống
Thứ Sáu, 30/11/2007 13:30 CH
Góp phần lập “rào chắn” ma túy
Thứ Sáu, 30/11/2007 07:57 SA
Khói thuốc bay bay trước cổng trường
Chủ Nhật, 25/11/2007 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek