“Lấy cho tao cái hộp quẹt, ngồi trong lớp mấy tiết mà cứ ngáp lên ngáp xuống hoài”, “Tao cũng dzậy đó”! Nói xong, hai học sinh nam dắt nhau vào quán nước gần đó, lấy thuốc lá ra và hút...
MUA VÀ HÚT THUỐC NGAY TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG
Hai học sinh (HS) trên không phải là trường hợp cá biệt. Vì trong 15 phút tan trường, tôi còn chứng kiến nhiều HS khác phì phèo thuốc lá mà phần lớn là công khai nhả khói ngay trước mặt bạn bè và những phụ huynh đón con trước cổng trường. Hỏi chỗ mua thuốc, tôi được G (lớp 11, Trường THPT bán công Nguyễn Trãi) cười: Ối trời, họ bán đầy ra đó!. “Nhưng nghe nói là không bán thuốc lá cho người dưới 16 tuổi mà?” Tôi vừa dứt câu hỏi thì nhận được một câu trả lời tỉnh bơ của một HS khác đứng bên cạnh: Trên đời này có ai mà không ham tiền chứ. Khách hàng là “Thượng đế” mà anh”.
Để kiểm chứng lại lời nói của G, tôi tạt vào một quán cóc gần cụm trường THPT Nguyễn Huệ và Nguyễn Trãi nằm trên đường Hoàng Diệu, uống nước và quan sát. Cứ lâu lâu lại thấy một HS nam ghé vào mua thuốc. Có bạn trả tiền xong là hút luôn, không hề tỏ ra e ngại giáo viên hay giám thị phát hiện.
Hôm theo chân ba HS mặc cả đồng phục của trường X đi mua thuốc, tôi nghe bà chủ quán cất giọng xởi lởi: Lâu quá không thấy mấy cháu đến đây, tưởng đã chuyển trường rồi chứ! – “Dạ, tụi cháu sợ cô không bán rồi báo thầy giám thị thì chết cả lũ”, một HS trả lời rồi cười ồ lên. Bà chủ quán hạ giọng thân mật: “Trời ơi, cô không bán cho mấy cháu thì bán cho ai đây? Mấy bác xích lô, xe ôm cũng lần lượt bỏ thuốc lá hết rồi”.
Đâu chỉ ở các trường trên địa bàn TP Tuy Hòa, tại trường học ở các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa,… tình trạng HS hút thuốc có thể nói là khá phổ biến. Chỉ cần bước ra khỏi cổng trường là tha hồ hút mà không sợ bị thầy giám thị bắt phạt vì đã ngoài phạm vi quản lý! Những quán cà phê gần cổng trường cũng nhờ thế mà “trúng mánh”. Một nhân viên phục vụ quán cà phê 57 (số 1
CẤM HS HÚT THUỐC LÁ, ĐƯỢC KHÔNG?
Người gầy nhom, da ngăm đen, đầu tóc bù xù, trông D chẳng có chút sức sống nào dù đang là học sinh lớp 11. D là con út, cả bố lẫn mẹ đều đi làm thuê, lo tiền ăn học cho D đã là một gánh nặng. Vậy nhưng để có tiền hút thuốc lá D kê thêm những phí phát sinh như quỹ lớp , học thêm, mua sách, tài liệu… Khi những “chiêu” này bị lật tẩy, D chuyển sang làm “trợ lý” cho đám bạn con nhà giàu cùng lớp, sẵn sàng đánh đấm nếu có HS nào dám gây sự hoặc dây dưa với cả bọn. Bây giờ, ngoài thời gian đến lớp, D phải lon ton chạy theo đám bạn này để kiếm thuốc lá hút!
T, HS Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong một lần đi nhậu, chỉ vì không hút được thuốc lá mà bị bạn bè “coi thường”. Từ đấy, T quyết định tập hút thuốc lá. T nói: Đi chơi với bạn mà không hút thuốc thì chúng nó khinh nên em cũng phải làm vài điếu. Giờ “nghiện” luôn rồi.
Thời gian qua, việc “Nói không với thuốc lá trong học đường” được Ban giám hiệu và các Đoàn trường thực hiện khá ráo riết. Nhưng cuộc vận động này chỉ mới tác động một phần trong khuôn viên nhà trường. Theo một số giám thị và bảo vệ các trường, vấn đề này họ không thể quản lý nổi vì các chủ quán bán thuốc lá, do không cưỡng lại được lợi nhuận nên dù biết các em là HS nhưng vẫn bán. Bên cạnh đó, lâu nay chẳng có cơ quan Nhà nước nào xử phạt hay có biện pháp ngăn chặn việc bán thuốc lá vô tội vạ cho lứa tuổi học trò. Nguy hiểm nhất là phần lớn các HS đang hút thuốc lá cho rằng thuốc lá làm tăng sự tỉnh táo khi học bài ôn thi.
Theo các nhà khoa học, ngoài tác hại đến hệ hô hấp gây ung thư phổi và nhiều bệnh liên quan khác, thuốc lá còn làm giảm chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ bất lực ở tuổi trưởng thành của nam giới… Để HS không hút thuốc lá, bên cạnh công tác tuyên truyền như các trường đã làm lâu nay, cần có những biện pháp mạnh hơn. Phải “triệt” cho được các điểm bán thuốc lá quanh trường, các bậc làm cha mẹ và thầy cô giáo không hút thuốc lá để làm gương cho con em. Tiếp tục cuộc vận động “Nói không với thuốc lá”, các Đoàn trường cần có những hình thức tuyên truyền sinh động và phù hợp, triển khai liên tục chứ không theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đến hẹn lại lên” như lâu nay vẫn thường làm.
LỆ VĂN