ẤN TƯỢNG TỪ CÂU CHÀO
Chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai đang cùng học viên
giải quyết vấn đề khó xử trong giao tiếp.
Rời khỏi giảng đường
đại học, phần đông sinh viên vẫn lúng túng trong những buổi tiếp xúc nơi công
sở. Nỗi băn khoăn lớn nhất mà các bạn trẻ này là làm sao tạo được ấn tượng đầu
tiên tốt đẹp trong mắt mọi người. “Cứ đối diện với người lạ, tôi lại trở nên
lóng ngóng và nói năng thừa thãi”- Phương Nh., sinh viên ĐH Mở TPHCM, chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, giao tiếp có nguyên tắc riêng của nó, như phải biết
mục đích giao tiếp của mình và quan sát đối tượng để có cách ứng xử phù hợp.
Bên cạnh đó, bộc lộ cảm xúc cũng là một trong những “chiêu thức” để tạo sự đồng
cảm, kéo gần khoảng cách giữa mọi người.
Tuy nhiên, khi đã
thực sự bước chân vào môi trường làm việc nơi công sở, các bạn trẻ còn phải đối
diện với rất nhiều tình huống mà chỉ cần không có bản lĩnh, ứng xử không khéo
là mọi chuyện xôi hỏng bỏng không. Hoàng H., nhân viên mới một công ty PR lớn,
bức xúc: “Không hiểu sao, trưởng phòng cứ bắt tôi phải kêu bằng anh trong khi
người ấy lớn hơn tôi mấy chục tuổi”. Cố gắng điều chỉnh cách xưng hô cho vừa
lòng sếp thì Hoàng H. lại không quen miệng nên kết cục là cách xưng hô giữa sếp
và nhân viên lúc “anh” lúc “chú”. Hương L. (quận 10-TPHCM) kể, chỉ vì cư xử
không khéo léo, cô đã phải từ bỏ công việc mà mình yêu thích. Số là, khi vị
trưởng phòng đề nghị cô đổi cách xưng hô, Hương L. đã nói thẳng thừng giữa mọi
người “chú già hơn ba con ở nhà, làm sao kêu bằng anh được”. Cách ứng xử không
khéo léo của Hương L. khiến cô và thủ trưởng có một khoảng cách lớn trong giao
tiếp. Trao đổi về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai tư vấn: Khi đối mặt
với vấn đề tế nhị này, nếu xét thấy khoảng cách tuổi tác quá chênh lệnh, không
thể xưng hô anh- em, nữ nhân viên nên khéo léo dùng chức vị để xưng hô. Như
vậy, vừa không để lại ấn tượng xấu trong mắt mọi người, vừa không làm mất lòng
lãnh đạo. Bà tiết lộ: “Trong ứng xử, phải có năng lực tự chủ. Sự tinh tế và
khéo léo khi giải quyết vấn đề sẽ là chìa khóa của thành công”.
KHI GIAO TIẾP THIẾU
LÝ TRÍ
Bí quyết thành công
trong ứng xử
Đến tận bây giờ, Minh
Ng., sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, vẫn còn ấm ức vì nhóm bạn chơi với
nhau từ những ngày cùng chăn trâu nơi vùng quê nghèo Quảng Bình đã không còn
thân như trước. Chuyện xảy ra khi Mai T., chạy về phòng trọ với thái độ nóng
nảy: “Ai phá máy tính của tôi, tôi đã cho xài ké máy rồi còn phá hoại”. Gặng
hỏi mãi, mọi người mới biết, những tài liệu chép trong máy tính và đặc biệt là
bài tiểu luận chép trong USB của Mai T. bị nhiễm virus, mất hết dữ liệu. Trong
khi Mai T. tiếp tục buông những lời khó nghe thì Lê T., người tối hôm trước
dùng máy tính của Mai T., không kiềm chế được, đã đập bàn, hét lớn: “Mày nói ai
thì nói thẳng ra đi”. Lời qua tiếng lại, đôi bạn lao vào nhau. Mâu thuẫn không
bao giờ giải quyết được khi Lê T. dọn đi chỗ khác. “Giá như hai bạn ấy biết xoa
dịu nhau, không để cảm xúc leo thang, chắc bây giờ phòng trọ của tụi mình vẫn
còn vui lắm”- giọng Minh Ng. buồn buồn. Nếu biết nhường nhau, mâu thuẫn đã
không xảy ra, nhưng sự bình tĩnh, yếu tố cần thiết trong giao tiếp, rất khó mà
duy trì với những người cùng trang lứa.
Thanh Xuân, tổ trưởng
tổ thiết kế của một công ty may thời trang, vẫn khiến mọi người trong công ty
trầm trồ về những ứng xử hết sức khéo léo của vị quản lý trẻ này. Vì công việc
thường xuyên phải thảo luận để đi đến thống nhất mẫu mã hàng hóa nên phòng
thiết kế vẫn được xem là “lò lửa” của công ty. Vậy mà, mỗi khi tranh luận bắt
đầu đi đến gay gắt, chị đều giải tỏa không khí căng thẳng mà vẫn không làm mất
lòng đồng nghiệp. Khi được hỏi cách thức xoa dịu mâu thuẫn, chị tiết lộ: “Mình
thường lắng nghe, phân tích và so sánh giải pháp của đồng nghiệp. Sau đó, chọn
cách xử lý tốt nhất nhưng không quên động viên những người đề xuất giải pháp
chưa ổn để họ cố gắng. Ai cũng muốn được khen, chỉ cần khen đúng và khen một
cách chân thành, mọi người sẽ vui vẻ và hợp tác với nhau”.
Theo
NLĐ