“Sinh viên là phải “cày” thôi. Cày, trước là có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, sau là giúp mình trưởng thành hơn!”. Đó là suy nghĩ của nhiều sinh viên Phú Yên đang theo học tại TP Hồ Chí Minh.
TỰ KIẾM THÊM THU NHẬP
Sinh viên Phú Yên tại TP HCM làm gia sư – Ảnh: THANH TÙNG
Tình cờ tôi gặp bạn Huỳnh Thị Nho (sinh viên năm thứ hai, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại) đang phục vụ tại một quán cơm sinh viên. Biết tôi là người đồng hương Phú Yên, tuy rất bận nhưng Nho vẫn dành thời gian trò chuyện với tôi. Nho sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa). Ở vùng quê này, người dân làm nông là chính, vì vậy cuộc sống còn nhiều khó khăn. Gia đình Nho cũng không ngoại lệ. Ngày biết tin con đậu vào Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, cả nhà rất mừng nhưng cũng rất lo. Ba mẹ không biết làm cách nào để có đủ tiền cho Nho đi học. Nho tâm sự với tôi: “Gia đình có tới 4 chị em, mình còn có hai em đang học phổ thông. Những tháng đầu vào đây, cuộc sống rất khó khăn, bố mẹ phải tằn tiện lắm mới có đủ 600 ngàn đồng gửi vào mỗi tháng. Bạn biết đấy, đất Sài Gòn chừng ấy thì ăn thua gì. Nào là tiền trọ, tiền ăn, tiền sách vở…”. Hiểu hoàn cảnh gia đình, Nho không thể xin thêm và phải làm thêm, kiếm được 500 ngàn đồng/tháng. “Tháng đầu tiên cầm đồng tiền do chính mình làm ra, hạnh phúc đến muốn rơi nước mắt” – Nho thổ lộ.
Cũng như Nho, mới vừa tan trường chưa kịp ăn uống gì thì Đỗ Tuấn Anh (sinh viên năm thứ hai, khoa Cơ khí Trường ĐH Bách Khoa, quê ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) lại phải đạp xe hơn 7 cây số đi làm gia sư. Tuấn cho biết: “Công việc dạy thêm cho các em học sinh lớp 6 lớp 7 không có gì vất vả cả. Mỗi tuần dạy 3 buổi, họ trả cho mình mỗi tháng 600 ngàn đồng”.
KHỔ MÀ VUI
Khác với hoàn cảnh của hai bạn Nho và Tuấn Anh, gia đình Phan Thanh Hoàng (sinh viên năm thứ ba, ĐH Giao thông – Vận tải, quê phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) cũng không đến nỗi khó khăn. Bố mẹ Hoàng đều là công chức, thu nhập ổn định. Vì nhà chỉ có hai chị em nên mỗi tháng Hoàng được bố mẹ ưu ái gửi vào 1 triệu đồng nhưng bạn vẫn thích đi làm thêm. Hoàng cho biết: “Số tiền bố mẹ gửi vào đủ chi tiêu, nhưng mình vẫn thích đi làm thêm vì công việc sẽ giúp mình khi trưởng thành hơn và tích lũy được kinh nghiệm, giúp ích nhiều cho mình ra trường đi làm”. Các bạn cho biết, công việc làm thêm không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có khi địa điểm làm gia sư quá xa, đến trễ một tí, nếu gặp phụ huynh khó tính thì họ tỏ ra phật ý. Còn công việc bưng bê thì chủ quán thường không thích thuê sinh viên. Họ thích nhận những người thất nghiệp, học vấn trung bình.
Có thêm thu nhập, các bạn trích một phần nhỏ mua vài quyển sách gửi về cho mấy đứa em để động viên tinh thần. Những lần về thăm nhà có ít quà mừng ông bà, ba mẹ và các em, còn lại các bạn dành dụm để lo cho việc học hành.
HỌC VẪN LÀ TRÊN HẾT
Làm thêm nhưng các bạn kể trên vẫn chưa bỏ học một buổi nào. Đáng khâm phục hơn, các bạn đều là học sinh khá giỏi, học kỳ nào cũng nhận học bổng. Bạn Nho nói: “Muốn thoát nghèo thì phải cố gắng học thôi. Mình chỉ làm thêm vào buổi tối, ban ngày thì vẫn học bình thường”. Còn Thanh Hoàng cho biết: “Tuy đi làm thêm nhưng việc học vẫn là trên hết. Những ngày nghỉ cuối tuần mình thường tắt điện thoại, “bay” vào thư viện đọc một hơi, chiều xách cặp ra về thấy trong người vô cùng phấn chấn vì đã “nạp” được nhiều kiến thức”.
PHAN HOÀNG KHÁNH