Công nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong phân xưởng của Nguyễn Tấn Phụng (Phú Hòa) - Ảnh: T.LÊ |
Nói đến công việc lặn bắt, nuôi và mua bán tôm hùm ở thôn Dân Phú 2, đoàn viên thanh niên xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu) thường nhắc nhiều đến Võ Văn Nguyên. Anh là đoàn viên thanh niên đầu tiên trong xã làm giàu từ con tôm hùm. Năm 2002, anh khởi nghiệp nuôi tôm hùm lồng bằng 25 triệu đồng tích cóp được sau nhiều năm đi lặn bắt tôm hùm giống thuê và vay mượn thêm bạn bè để đầu tư nuôi 5 lồng tôm hùm thịt, với số lượng 300 con. Nhờ kiên trì chịu khó, sau 18 tháng nuôi, anh Nguyên thu lãi 5 triệu đồng/lồng. Từ thành công ban đầu, đến nay, anh đã có tài sản riêng là 25 lồng tôm hùm thịt, trị giá 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nguyên còn nuôi thêm cá mú, vẹm xanh... mỗi năm kiếm thêm từ 15-30 triệu đồng.
Còn Biện Công Lực, xã An Lĩnh (huyện Tuy An) là một điển hình về nghị lực vượt khó của thanh niên hôm nay. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 2003, nhận thấy việc chăn nuôi bò có nhiều triển vọng nên anh đã đầu tư mua 3 con bò cái giống. Đến nay, đàn bò của anh đã lên đến 60 con, mang lại thu nhập bình quân từ 25-50 triệu đồng/năm.
Cũng giống như anh Nguyên, anh Lực, hai anh Ngô Thành (phường 9) và Phạm Thanh Phương (phường 8) khởi nghiệp và làm giàu bằng nghề trồng hoa, thiết kế non bộ ở TP Tuy Hòa. Các anh Huỳnh Thanh Hiền, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa), Lê Lăn Phước, xã Ea Bá (Sông Hinh)… biết vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp. Hiện các anh là những tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, là “địa chỉ đỏ” để thanh niên địa phương tìm đến học hỏi cách làm giàu và nhiều người đã thành công như họ.
Những mô hình, cách làm của những thanh niên biết vượt khó đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và kích thích giới trẻ Phú Yên nỗ lực hơn trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Họ không chỉ biết làm giàu chính đáng cho mình, mà còn giúp đỡ đoàn viên thanh niên địa phương thoát nghèo thông qua hướng dẫn và phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật nuôi…
Anh Nguyễn Tấn Phụng, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ rèm gỗ và các đồ dùng mỹ nghệ Hòa Hội (Phú Hòa) vay 100 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm, đầu tư nhà xưởng, tập hợp thanh niên để đào tạo nghề. Bước đầu, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 12 lao động nhàn rỗi địa phương, với mức lương từ 500.000 -1 triệu đồng/tháng. Anh Phụng vừa được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu xuất sắc ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2007.
Từ những đốm lửa ban đầu, đến nay, Phú Yên có rất nhiều thanh niên trẻ thi đua làm giàu cho mình và cho mọi người. Đây cũng là tiền đề để xây dựng và hình thành những làng ngư nghiệp thanh niên, hợp tác xã thanh niên góp phần thu hút lao động nhàn rỗi và giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên.
Theo ông Võ Minh Thức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, thì từ những bước đột phá, dám nghĩ, dám làm để khẳng định mình của những triệu phú trẻ, những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng được nhân rộng. Trong đó, đoàn viên thanh niên là lực lượng chủ công không chỉ giải quyết được lao động nhàn rỗi cho địa phương, mà còn góp phần làm cho kinh tế xã hội phát triển, đời sống của giới trẻ nông thôn từng bước nâng lên rõ rệt. Còn ông Trần Quốc Toàn, Phó Ban Thanh niên Nông thôn công nhân và đô thị (Tỉnh Đoàn Phú Yên) cho biết: “Hiện nay phong trào lập nghiệp được thế hệ trẻ Phú Yên phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Nổi bật nhất là đoàn viên thanh niên ở các huyện Phú Hòa, Tuy An, Sông Cầu, với hàng trăm triệu phú trẻ, có cơ ngơi vững vàng”.
VĂN TÀI - BẢO TOÀN