Từ hai bàn tay trắng nhưng với ý chí nỗ lực làm ăn, anh Nguyễn Thanh Truyền (SN 1985, ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) đã trở thành ông chủ vườn ươm, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên học đến lớp 9, Nguyễn Thanh Truyền đành phải bỏ học giữa chừng, ở nhà lao động phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm làm thuê kiếm sống, cuộc sống bấp bênh, Truyền quyết định mượn tiền người thân đi học nghề lái xe. Năm 2006, sau khi lấy bằng lái xe tải, Truyền xin vào lái xe chở hàng đi các tỉnh Bắc - Nam cho một nhà xe ở TP Tuy Hòa. Qua 8 năm lái xe tải đường dài, thời gian ở nhà rất ít, cuộc sống hàng ngày chủ yếu ăn ngủ, nghỉ trên đường là chính nên nhiều lúc anh thấy nản. Tuy nhiên, thông qua những chuyến chở hàng, trong đó có những chuyến chở cây keo, bạch đàn giống cho các nhà vườn đã giúp Truyền nhận thấy được nhu cầu trồng rừng của người dân ngày một tăng. Từ đó, anh nảy sinh ý định đi buôn cây giống.
Qua tìm hiểu, Truyền biết được nhu cầu trồng rừng của bà con ở Phú Yên không thua kém những tỉnh khác. Năm 2014, Truyền quyết định thôi lái xe tải, chuyển sang buôn cây keo lai, bạch đàn giống bán lại cho người dân ở các xã thuộc các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh. Truyền cho biết: “Ban đầu do không có vốn nên tôi phải “mượn đầu heo nấu cháo”. Tôi tìm đến các nhà vườn ươm cây giống tham khảo và được các chủ vựa cây tạo điều kiện. Sau đó, tôi đến các xã miền núi liên hệ với bà con để bán cây. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi thuê xe chở cây về tận nơi giao cho bà con rồi lấy tiền trả lại cho các nhà vườn hưởng chênh lệch phần trăm. Với cách làm này, năm 2014 và 2015, mỗi năm tôi mua được 2 triệu cây keo, bạch đàn giống để bán lại cho người dân mà không phải bỏ đồng vốn nào”.
Thấy việc mua bán cây giống khả quan, đầu năm 2016, Nguyễn Thanh Truyền cùng vợ thuê 2.200m2 đất của một người dân ở tại địa phương, tổ chức ươm keo lai. Truyền cho biết: “Sau khi thuê được đất, vào tháng 5 âm lịch, tôi thuê nhân công vô đất giâm hom, ươm 200.000 cây keo lai. Qua 4 tháng chăm sóc tôi bán và thu lãi 60 triệu đồng. Ngoài ra, để có số lượng keo giống cung cấp cho những người có nhu cầu đặt mua từ trước, tôi lấy keo giống của một số nhà vườn bán lại hưởng chênh lệch”. Theo Truyền, làm vườn ươm rất nhặt công. Để ươm được 200.000 cây keo giống trong thời gian 1 tháng, mỗi ngày anh phải thuê từ 10-20 lao động. Mặc dù nhặt công, chi phí cao, nhưng tự ươm cây giống bán vẫn có thu nhập cao hơn so với đi mua keo bán lại. Vì thế, trong thời gian tới, nếu ký hợp đồng được với người trồng rừng với số lượng lớn, anh sẽ mở rộng thêm 1.000m2 diện tích ươm cây giống để cung cấp cho khách hàng.
Theo chị Đỗ Thị Như Thục, Bí thư Xã đoàn Xuân Sơn Nam, Nguyễn Thanh Truyền là một thanh niên giàu nghị lực. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng anh rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu thị trường để làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học tập các mô hình có trước, anh đã ươm keo lai thành công, cung cấp một lượng cây giống rất lớn cho người dân trồng rừng, thu nhập khá cho gia đình. Với nghị lực vượt khó, mới đây Nguyễn Thanh Truyền vinh dự là một trong 13 thanh niên của Phú Yên tiêu biểu xuất sắc làm kinh tế giỏi được Tỉnh đoàn Phú Yên tuyên dương.
NGUYỄN CHƯƠNG