Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa) là một trong những điểm sáng về phong trào Sáng tạo trẻ của tỉnh. Đoàn trường đã khéo léo lồng ghép hoạt động công tác Đoàn với phong trào học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh.
Phát huy tính sáng tạo của học sinh
Hưởng ứng phong trào Sáng tạo trẻ do Đoàn cấp trên phát động và cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, hàng năm, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Quốc Tuấn giao Đoàn Thanh niên phối hợp với Tổ Lý - Kỹ thuật công nghệ của trường tổ chức cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp trường, thu hút hàng trăm học sinh của trường tham gia. Theo thầy Đinh Tiến Dũng, giáo viên dạy môn Vật lý, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn, thông qua mỗi cuộc thi đã giúp học sinh phát huy tính chủ động, đam mê sáng tạo, trải nghiệm, nghiên cứu có chiều sâu sau những tiết học lý thuyết. Ngoài ra, cuộc thi còn phát huy sở trường và niềm đam mê nghiên cứu của học sinh trong lĩnh vực KHKT, làm nền tảng cho các em bước vào giảng đường đại học để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn những ý tưởng của mình.
Tại cuộc thi Sáng tạo KHKT do Đoàn trường và Tổ Lý - Kỹ thuật công nghệ của Trường THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức mới đây, có đến 320 học sinh, với 160 sản phẩm tham gia gồm: robot thông minh, máy bắt muỗi, máy chống trộm, hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, đèn hào quang nhiều màu, đèn pin bằng giấy… Sản phẩm “Robot thông minh” của em Phạm Ngọc Lập (lớp 12A6) và Đàm Ngọc Hậu (lớp 11A1) xuất sắc đoạt giải nhất tại cuộc thi này. Phạm Ngọc Lập chia sẻ: “Em đam mê KHKT từ lúc mới bước vào lớp 6. Những buổi đi học về thấy mấy chú trong xóm sửa điện cơ em rất mê và mày mò tìm hiểu từ đó. Để nghiên cứu ra “robot thông minh” tham gia cuộc thi này, sau những giờ học bài xong, em lên mạng tìm tòi và thông qua tổ chức Fablab Sài Gòn tham khảo tài liệu. Đầu tháng 9 vừa qua, em chuẩn bị linh kiện bo mạch và cùng Hậu lập trình bằng arduino và một số cảm biến khác. Đồng thời em còn lập trình vi điều khiển bằng ngôn ngữ lập trình C++. Riêng phần thân robot do làm bằng nhựa Alu nên chúng em nhờ các thầy hỗ trợ thực hiện”. Theo Lập, “Robot thông minh” được điều khiển trên điện thoại bằng phần mềm lập trình appinverter và dùng wifi kết nối. Robot này có khả năng hút bụi, lau sạch căn nhà một cách hoàn toàn tự động. Ngoài ra, nó còn có khả năng phát hiện trộm để báo về điện thoại thông qua module sim 900a và đo chất lượng không khí trong ngôi nhà. Đặc biệt, nó có thể phát hiện rò rỉ khí gas và báo động cho mọi người biết để phòng tránh cháy nổ và có thể bật đèn khi trời tối thông qua cảm biến ánh sáng.
Theo thầy Đinh Tiến Dũng, phong trào nghiên cứu KHKT trong học sinh đã được Đoàn trường và Tổ Lý - Kỹ thuật công nghệ của trường tổ chức phát động hàng năm. Còn cuộc thi Sáng tạo KHKT này được tổ chức lần thứ 3 (từ năm 2014 đến nay) và lần nào cũng thu hút đông đảo học sinh tham gia. “Từ cuộc thi này chúng tôi sẽ chọn ra những sản phẩm tốt nhất để tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt ở trường”, thầy Dũng cho biết.
Đẩy mạnh chương trình “Khi tôi 18”
Ngoài phát huy tính sáng tạo của học sinh thông qua cuộc thi Sáng tạo KHKT, Đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn còn đẩy mạnh chương trình “Khi tôi 18” do Tỉnh đoàn phát động. Để cụ thể hóa chương trình này, ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho học sinh lớp 12 đủ 18 tuổi thi lấy bằng lái mô tô, Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật và an toàn giao thông, kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình…, tất cả đều bằng hình thức sân khấu hóa. Ngoài ra, hàng năm, Đoàn trường còn tổ chức các hoạt động gắn liền với tri thức phổ thông như: tổ chức cuộc thi viết “Tôn sư trọng đạo”, vừa phát huy khả năng viết của học sinh, vừa thể hiện tấm lòng tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); tổ chức cho các lớp tham gia cuộc thi “Giao thông học đường” qua mạng Internet… Mặt khác, Đoàn trường tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng sống cho học sinh về sức khỏe sinh sản vị thành niên, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội như: giáo dục kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng xây dựng phương pháp học tập hiệu quả; kỹ năng tổ chức hoạt động hội trại; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Phạm Trúc Quỳnh Như, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, chia sẻ: “Tham gia chương trình “Khi tôi 18” đã giúp em có nhiều kiến thức bổ ích như: giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng xây dựng phương pháp học tập, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội… Ngoài ra, chương trình này còn tư vấn, hướng nghiệp cho chúng em biết cách chọn trường, chọn ngành học phù hợp với năng lực học tập. Em thấy chương trình này rất ý nghĩa, mong Đoàn trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để chúng em có cơ hội định hướng nghề nghiệp cho mình”.
“Sắp tới, Đoàn trường sẽ thành lập các nhóm học thuật trên facebook của mình để đoàn viên, học sinh có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập, chia sẻ các bài tập, đề thi… Qua đó giúp các em có thêm cơ hội học tập, góp phần củng cố kiến thức chuẩn bị các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia năm 2017”- Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn Đinh Tiến Dũng cho biết.
Thời gian qua, Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã chủ động tổ chức nhiều cuộc thi “học mà chơi, chơi mà học” thu hút đông đảo đoàn viên, học sinh tham gia, trong đó nổi bật là phong trào Sáng tạo trẻ. Đối với chương trình “Khi tôi 18”, Ban Chấp hành Đoàn trường đã cụ thể hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, phù hợp với học sinh trong trường. Nhiều năm liền, Đoàn trường được Tỉnh đoàn Phú Yên và Trung ương Đoàn tặng bằng khen.
Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Hòa Lương Công Trình |
HIẾU TRUNG