Ban ngày: bụi, nắng nóng. Ban đêm: lạnh ùa về. Thế nhưng, hơn một tháng qua, tại km 1190+240 tuyến đường sắt Bắc -
Thanh niên tình nguyện Nguyễn Văn Hiên đang làm nhiệm vụ – Ảnh: L.VĂN
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng người dân An Mỹ vẫn còn nhớ một tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra ở “điểm đen” này. Có hai cha con từ An Thọ xuống An Mỹ thăm người thân, trong lúc qua đường sắt, do không chú ý quan sát nên đã tông đoàn tàu hàng… Ngoài ra, chuyện xe ngựa, xe lam, xe tải chạy quá đà đến mức gần… đụng tàu là chuyện thường ngày ở đây. Người dân địa phương cũng đã quá quen với cảnh la ó lúc nửa đêm hoặc rạng sáng khi xe ngựa lật nhào xuống ruộng rau muống, khi xe lam lên dốc chết máy, hoặc tiếng hét của một ai đó đang ngăn chặn người lạ cố ý vượt qua đường tàu.
Không phải đến lúc này mới có gác chắn mà trước đây, vào những lúc cao điểm như Tháng Thanh niên, Tháng An toàn giao thông, Xã đoàn An Mỹ đều huy động đoàn viên thanh niên luân phiên đứng gác tại khu vực này…Từ tháng 3/2007, Xã đoàn An Mỹ quyết định lập một vọng gác và bốn thanh niên: Đặng Ngọc Tân (23 tuổi), Nguyễn Văn Hiên (28 tuổi), Trần Quang Bình (23 tuổi), Nguyễn Tấn Lộc (25 tuổi) đã tình nguyện làm “nhân viên” gác chắn.
“Tuýt, tuýt, tuýt! Dừng, dừng lại…tàu đến rồi!”- Hai thanh niên trong trang phục áo xanh tình nguyện hét lên, rồi họ nhanh chóng hạ hai chiếc barie bằng gỗ xuống, chặn ngang không cho bất cứ ai cố vượt qua đường tàu. Một phút sau, từ xa, đoàn tàu hiện ra và vun vút lao qua.
“Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn Phú Yên đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 5 người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 14 gác chắn có người gác, còn 24 gác chắn không có người gác”. (Nguồn: Ban An toàn giao thông Phú Yên)
Mỗi kíp 2 người, trực 24 giờ. Họ luân phiên đổi ca cho nhau. Mỗi ca trực, bình quân các anh đón trên dưới 20 chuyến tàu. Thổi còi ra hiệu, phất cờ, hạ và nâng barie lên xuống, ghi sổ nhật trình... Bất chấp trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, bốn người vẫn không quản khó nhọc, đảm bảo cho hàng chục chuyến tàu qua lại bình yên. “Ban đầu anh em không quen được tiếng ồn, tiếng bánh sắt tàu rền vang trên đường ray nên chỉ dựa vào cảm tính để hạ barie là chính. Xong việc, về đến nhà thì tai ù và đau buốt mấy hôm liền. Nhưng bây giờ thì đã quen rồi” - đó là tâm sự của Tổ trưởng vọng gác thanh niên Nguyễn Văn Hiên.
Anh Trần Quang Bình, kể thêm: “Những ngày đầu, khoảng thời gian từ 24 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau thường hay rất buồn ngủ, nhưng giờ cũng quen luôn!”. Còn “cậu út” trong nhóm Đặng Ngọc Tân thú nhận: “Hồi mới bỏ nhà đi gác tàu, gia đình phản đối dữ lắm! Bạn bè thì bảo “hâm” và “lo chuyện bao đồng”. Nhưng từ khi có bọn mình ở nơi này, tai nạn giao thông đường sắt không xảy ra. Mọi người hiểu và cảm kích, nên em thấy rất vui.
Ông Nguyễn Đình Huy, người dân ở thôn Hòa Đa, cho biết: “Bốn “công nhân” đường sắt ấy làm việc rất nhiệt tình. Mấy ngày nay nóng quá, buổi trưa mình ở trong nhà còn toát mồ hôi. Vậy mà tụi nhỏ vẫn đứng ngoài canh tàu qua lại an toàn, rồi mới vào gác, thấy thật thương!”.
VĂN TÀI