Thứ Tư, 15/01/2025 19:34 CH
Chàng sinh viên gắn bó với núi rừng
Chủ Nhật, 08/04/2007 07:03 SA

Cha mẹ mất, cũng là lúc Võ Công Khi (sinh năm 1983) học năm thứ nhất Khoa Sử khóa II do Trường Đại học Khoa học Huế liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Đại học Phú Yên) mở. Hơn 3 năm nay, Khi gánh vác mọi công việc gia đình và lo cho hai đứa em ăn học.

 

THAY CHA MẸ NUÔI EM

 

070407-HOC.jpg

Võ Công khi chăm học tập...

Khi được sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở thôn Đồng Mỹ (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa). Chị cả, hai người anh trai đã có gia đình, Khi và hai đứa em sống cùng cha mẹ. Hằng ngày ngoài việc học, Khi còn phụ cha mẹ làm rẫy. Đến cuối năm cấp III, với ước mơ trở thành giáo viên dạy môn Sử, Khi nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh nhưng thi trượt. Sự thất vọng của lần thi trượt đầu đời không làm cho Khi nản chí, Khi vừa phụ cha mẹ công việc nhà vừa ôn tập để thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo. Đầu năm 2003, mẹ Khi lâm bệnh rồi qua đời ở tuổi 51. Khi vừa thay mẹ lo cơm nước cho gia đình, vừa phụ cha làm nương rẫy. Lúc này, Khi bỏ ý định vào thành phố Hồ Chí Minh học và nộp hồ sơ học tại Phú Yên. Khi nói: “Học gần nhà để bớt tốn tiền và có thời gian về phụ giúp cha”. Tháng 9/2003, Khi trở thành sinh viên Khoa Sử khóa II (lớp do Trường Đại học Khoa học Huế liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên mở). Khi học chưa hết học kỳ 1 của năm thứ nhất thì cha bệnh nặng rồi qua đời. Nỗi đau buồn nhân đôi, song nhờ sự động viên của anh chị, bạn bè cộng với ý chí của bản thân nên Khi đã không bỏ học mà cố gắng hơn. Khi tâm sự: “Giờ cha mẹ đã qua đời, mình phải cố gắng làm thật nhiều để có tiền học và lo cho hai đứa em”.

 

Từ lúc cha mất, Khi tự lập và trưởng thành hơn. Ngoài việc học, Khi chăn bò, làm rẫy và nuôi các em ăn học. Đầu năm 2005, em gái Khi là Võ Thị Kiểu (sinh năm 1985) thi đậu vào trường Trung học Y tế Phú Yên, Khi phải lo học phí, sách vở cho em. Cuối năm 2006, Kiểu tốt nghiệp ra trường và lập gia đình.

 

Khi còn một đứa em trai là Võ Công Khoa đang học lớp 12 Trường THPT Trần Suyền. 12 năm liền Khoa đạt danh hiệu học sinh khá giỏi của trường. Khoa dự định sẽ thi vào Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

 

HÀNH TRÌNH VƯỢT KHÓ

 

Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng Võ Công Khi vẫn quyết tâm đi học. Để đến lớp đúng giờ, mỗi ngày Khi thường thức dậy từ 4 giờ sáng lo mọi việc trong nhà, cỏ nước cho đàn bò 7 con. Sau đó, Khi phải đạp xe 15km để đến trường. Tan học trở về, Khi lo việc nhà xong thì ôn bài vở, nên không đêm nào ngủ trước 12 giờ. Nhà thiếu người làm, thời tiết nắng hạn không thuận lợi nên việc trồng trọt không đạt hiệu quả. Khi trăn trở tìm phương thức phù hợp với điều kiện hiện tại của mình. Hè 2004, tranh thủ thời gian rỗi không đến trường, Khi đi tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm ở các nơi có mô hình trồng rừng. Có lần, Khi lên thủy điện Sông Hinh để tìm hiểu vì nghe ở đây có rất nhiều người đã thực hiện thành công mô hình trồng rừng.

 

070407-CHAT.jpg

... và trồng rừng để kiếm tiền trang trải việc học tập cho bản thân và em trai.

 

Có được ít vốn của cha mẹ và kiến thức nhờ đi học hỏi nhiều nơi, nhận thấy thổ nhưỡng cũng phù hợp với việc trồng cây lâu năm, Khi đã mạnh dạn đầu tư mua cây xà cừ, vận động anh chị trong nhà đào hố trồng cây. Đến tháng 10/2004, gặp thời tiết thuận lợi, Khi đã trồng được 1 hecta rừng xà cừ. Qua 1 năm, rừng xà cừ của Khi phát triển rất tốt. Chưa hài lòng với diện tích rừng của mình, Khi trồng thêm 1 hecta xà cừ nữa. Đến giờ, rừng xà cừ của Khi đã được 3 năm tuổi với khoảng 1200 cây đang xanh tốt.

 

“Mình trồng rừng theo mô hình “lấy ngắn nuôi dài”. Trong 5 năm đầu, khi cây xà cừ còn nhỏ, mình kết hợp trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày như: Đậu đỏ, bắp, sắn… Trong tháng 2 vừa rồi mình thu hoạch bắp và đậu đỏ được 2 triệu đồng, dùng số tiền này để mua phân và chạy nước cho cây. Từ năm thứ 6 trở đi, cây đã lớn, mình chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò” - Khi cho biết.

 

Từ khi cha mẹ mất cho đến nay, Khi chưa có được một ngày nghỉ. Mọi công việc gia đình đều dồn lên vai, nhưng Khi vẫn dành thời gian cho việc học. Khi thổ lộ mơ ước rất bình dị: Ra trường, có được một chỗ dạy ổn định. Thời gian rảnh, mình sẽ chăm sóc cây, bởi mình đã coi trồng rừng như công việc thứ hai của mình.

 

Ông Võ Công Chín, trưởng thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc cho biết: “Mồ côi cha mẹ nhưng các anh em Khi đùm bọc nhau và học hành rất tốt. Gia đình Khi đi đầu trong mô hình trồng rừng cũng như trong các phong trào do xã và thôn đưa ra. Đây là tấm gương cho các gia đình khác noi theo”.

 

NGUYỄN VĂN HIẾU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức trẻ Sông Cầu
Thứ Năm, 05/04/2007 14:10 CH
Niềm tin và quyết tâm của tuổi trẻ
Thứ Năm, 05/04/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek