Thứ Năm, 24/10/2024 15:25 CH
Ông chủ trẻ nhiệt tình truyền nghề
Thứ Sáu, 05/07/2013 11:00 SA

Cái tên Lê Tấn An (SN 1986) ở xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) - chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm vào thời điểm này, có lẽ An là người trẻ tuổi nhất có chỗ đứng vững vàng trong làng đá mỹ nghệ Phú Yên. Tuy sớm gặt hái được thành công, nhưng An vẫn giữ cho mình nếp sống giản dị, nỗ lực hết mình với mong muốn đào tạo ra những thế hệ học trò vượt bậc hơn thầy.

da130705.jpg

Lê Tấn An đang hướng dẫn công việc cho một thợ trẻ - Ảnh: T.HÀ

SỐNG GIẢN DỊ

An tự nhận mình là người không có “tướng” làm ông chủ. Cho nên rất nhiều khách hàng lần đầu vào xưởng đặt hàng, thấy An đang cắm cúi làm việc bên các khối đá đều có chung một câu hỏi: “Chủ mày đâu?”. An chỉ đùa đáp lại: “Dạ, ông chủ đi vắng”.

Bước vào nghề khi chỉ mới 18 tuổi và sớm trở thành ông chủ, khiến An khác xa so với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng: ông chủ phải nhiều tuổi và nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, hiện tại trong xưởng đá của An, hầu như những người thợ làm cùng anh đều có tuổi tác suýt soát nhau nên trong lúc làm việc cũng như trong giao tiếp, giữa họ không có sự phân biệt rạch ròi đâu là thầy, đâu là thợ. Trong cuộc sống thường ngày, An cũng giữ nếp sinh hoạt như mọi người: cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với những người thợ trong căn nhà thuê chưa đầy 50m2. Tuy nhiên, với vai trò là người dẫn đầu, An gánh trên vai nhiều trọng trách nặng nề. Nào là lo khâu chọn đá, vận chuyển đá, quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao đời sống cho các bạn nghề, cân đối thu chi sao cho hợp lý. An bảo: “Làm riết rồi mọi thứ cũng quen, chứ ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm”. Rồi trong lúc vui vẻ, An cho biết mình vừa mua được một khu đất rộng ở TP Tuy Hòa và đang có dự định chuyển đến khu xưởng mới. An mong muốn, xây dựng nơi mới khang trang hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho các bạn nghề làm việc và nghỉ ngơi. Anh Hồ Xuân Vũ có gần 10 năm làm việc cùng An chia sẻ: “An là một người dễ tính, sống giản dị nên khi làm việc chung, các bạn nghề đều thấy rất thoải mái, không bị áp lực gì”.

Lý giải về sự dễ tính của mình, An cho biết: “Điêu khắc đá là công việc khó khăn, không chỉ cần chịu khó mà còn cần phải có niềm đam mê và óc thẩm mỹ. Vì vậy, đa số những người chọn công việc này đều ý thức được việc mình làm và nỗ lực hết mình để có thể gặt hái được thành quả. Cho nên, trong quá trình làm việc, tôi chỉ hướng dẫn về chuyên môn, còn những người thợ thì cố gắng hoàn tất công việc của mình”.

LÀM VIỆC KHÔNG CHỈ VÌ MÌNH

Đến thời điểm này, số lượng học trò của An cũng chỉ trên dưới 10 người, không thay đổi so với trước là bao và họ đều là người ở xã Xuân Sơn Nam, cùng quê với An.

An cho biết, người quê anh từ nhỏ lớn lên đã vất vả nên khi làm đá, họ chịu được công việc nặng nhọc. Người những nơi khác cũng có thể làm tốt nhưng họ không gắn bó lâu dài được với nghề.

Cũng theo An, chịu khó là yếu tố đầu tiên để có thể đến với nghề điêu khắc đá mỹ nghệ. Bởi chỉ khi tự mình vận chuyển đá, cầm máy cắt đá, nghe những âm thanh đinh tai nhức óc và bị bụi đá bám vào mi mắt, mũi, miệng, người thợ mới thấy hết cái nặng nhọc của nghề này. Tuy nhiên, chỉ chịu khó thôi là chưa đủ, bởi nghề này cần rất nhiều sự đam mê và đặc biệt là khiếu thẩm mỹ, bàn tay khéo léo. Có nhiều người rất chịu khó nhưng làm việc một thời gian, công việc không tiến triển được bao nhiêu nên phải bỏ dở. Những người thợ này chỉ có thể đục đẽo các khối đá theo như hướng dẫn của An. Còn nếu như để họ tự hoàn thành một tác phẩm, họ không làm được.

Anh cũng đã rất cố gắng để truyền nghề lại cho các bạn, bởi theo anh, thợ có giỏi thì thầy mới đỡ khổ. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng thợ đạt yêu cầu lại không nhiều. Trước đó, xưởng của An chỉ có vài người là có thể làm được công việc từ đầu đến cuối. Trong đó, có 2 người đã vào Tây Ninh mở xưởng riêng. Một vài người hiện tại cũng đã làm tốt nhưng chưa thuần thục. Thành ra, có nhiều khâu như: chọn đá, vẽ kiểu, làm nét đều do một mình An đảm nhận. An chia sẻ: “Nếu thợ có thể tự làm tốt thì mình chỉ phải chuyên tâm làm vài việc. Đằng này, sợ sản phẩm không đạt yêu cầu nên có nhiều khâu tôi phải tự làm lấy nên mất rất nhiều thời gian”.

Vào mùa cao điểm, khi có nhiều đơn đặt hàng, An cho thợ tập trung làm hàng đặt. Lúc ít khách, An lại cho thợ làm hàng mẫu, vì vậy bạn nghề của An có công việc để làm quanh năm với thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Với mong muốn đào tạo ra những người thợ điêu khắc lành nghề để cùng mình gánh vác công việc, An luôn cố gắng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm để các bạn có thể học hỏi, thực hành, tạo ra những sản phẩm điêu khắc chất lượng. Ngoài ra, với những người yêu thích và muốn thử sức với công việc điêu khắc đá, An cũng sẵn sàng nhận vào, trả lương trong quá trình học việc cũng như trả mức lương xứng đáng khi họ đã thạo việc mà vẫn muốn tiếp tục gắn bó với xưởng. Với những ai có điều kiện ra làm riêng, An sẵn lòng ủng hộ. An Chia sẻ: “Tôi xuất thân từ gia đình khó khăn. Đến giờ chưa nói là giàu có nhưng tôi vẫn có điều kiện hơn một số người. Tôi muốn giúp đỡ những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người trẻ quê tôi vốn vất vả có một công việc và thu nhập ổn định hơn”.

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek