Tháng 1 năm nay, tôi có viết bài “Ngậm ngùi cho ngành Giáo dục” đăng trên một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh. Bài viết nhân chuyện một học sinh khiếm thị muốn được học lên đại học nhưng không có trường nào nhận vì không có cơ chế của ngành Giáo dục. Em gái đó may nhờ một tổ chức từ thiện cấp học bổng và đưa sang Nhật Bản để học nghề. Khi trở về nước để lập nghiệp thì cũng không được ngành chức năng cấp phép kinh doanh (vì em là người khuyết tật).
Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có ban hành quy định về “Giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật”. Trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đối với giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, tàn tật; quyền lợi của giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật và quyền lợi của người khuyết tật học hòa nhập. Văn bản này còn nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp, phòng Giáo dục huyện, thị đối với việc tổ chức thực hiện giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Tôi nghĩ đây là món quà đầy ý nghĩa cho người khuyết tật (tuy quá chậm). Bởi lẽ, đất nước ta trải qua một cuộc chiến tranh quá dài với bao nhiêu sự tàn khốc, độc hại do đế quốc Mỹ gây ra. Nhân dân ta chịu nhiều đau thương mất mát, số người bị khuyết tật quá nhiều. Trong số họ, nhiều người muốn vượt lên số phận, muốn được học hành để có điều kiện mưu cầu cuộc sống hạnh phúc. Và quả thực nhiều người đã làm được điều đó. Tiếc là ngành Giáo dục trong một thời gian dài không có cơ chế để các cơ sở giáo dục tiếp nhận rộng rãi, tạo điều kiện cho người khuyết tật cơ hội học tập, lập thân, lập nghiệp.
Dẫu muộn còn hơn không. Mong sao cho người khuyết tật có cơ hội tốt để hòa nhập cộng đồng, vượt lên số phận, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội và nhân đây, đề nghị Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Kế hoạch – Đầu tư có quy chế hành nghề cho người khuyết tật tạo điều kiện cho họ phát huy những tố chất, góp phần làm ra sản phẩm cho xã hội.
TRẦN BẾN HẢI