Thứ Năm, 09/01/2025 04:33 SA
Thi cử, bao giờ mới hết tiêu cực?
Thứ Hai, 12/06/2006 09:31 SA

Mùa thi luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Cứ mỗi mùa thi đi qua, bao nhiêu vấn đề nhức nhối đặt ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ở các hội đồng coi thi trong cả nước vẫn có những hình ảnh lộn xộn, đề thi được tuôn ra bên ngoài, giám thị “giả lơ” và thậm chí “bắt tay” với thí sinh, “phao” trắng xoá sân trường. Cuối cùng, thí sinh vẫn thi đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao ngất ngưởng, trên 90% và có khi lên đến 100%!. Vì sao như vậy?

 

Về phía thí sinh, việc sử dụng tài liệu đã trở nên khá phổ biến. Những năm gần đây, nếu ai có dịp đi ngang qua các phòng thi sau giờ thi, chắc hẳn bắt gặp mảnh phô tô tài liệu thu nhỏ nằm trắng xóa. Học sinh đi thi mang theo tài liệu và điều đó đã trở thành một phong trào. Giám thị bắt được bộ này thì còn bộ khác. Nhiều học sinh nữ còn táo tợn giấu tài liệu vào trong cơ thể để các thầy giáo coi thi không dám khám xét!. Nhiều học sinh, thậm chí là học sinh giỏi, dù đã thuộc bài nhưng cũng thủ sẵn tài liệu bên mình để cho “chắc ăn”. Còn những học sinh trung thực lại trở nên khó chịu vì mình bị “thiệt thòi”!. Bài học trung thực ở trường thi đã mất đi tác dụng.

 

060612-thi-cu.jpg

Tình trạng tập trung trước các hội đồng thi trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn xảy ra -Ảnh: D.T.X

 

Về phía giám thị, một tâm lý chung được hình thành: “Các em đã khổ công 12 năm đèn sách, thôi thì khó dễ các em làm gì”. Thế là nảy sinh tình trạng coi thi dễ dãi, cho qua việc thí sinh mang và sử dụng tài liệu. Có một số trường hợp, giám thị canh chừng thanh tra để thí sinh chép tài liệu, thậm chí còn giải giúp bài thi cho thí sinh.

 

Những giáo viên nghiêm túc nhiều khi cũng phải “chùn tay” trước áp lực của địa phương, của ngành, nể nang lãnh đạo Hội đồng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải lo đến bản thân mình. Đã có những giáo viên bị trận đòn nhớ đời vì đã coi thi quá nghiêm túc!.

 

Chính vì giám thị thiếu nghiêm khắc nên việc xem tài liệu khi thi cử  trở thành một thói quen của học sinh.

 

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thi cử lộn xộn là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, họ thường ném tài liệu từ bên ngoài  vào phòng thi. Cùng với đó là công tác bảo vệ an ninh của một số chiến sĩ công an chưa tốt. Còn nhớ cách đây vài ba năm, ở một hội đồng coi thi tốt nghiệp THCS, một giám thị 3 coi thi khu vực hành lang tâm sự: “Công an coi thi ở đây hiền quá. Thanh niên ở bên ngoài ném tài liệu bọc đá vào phòng thi nhưng họ chẳng có biện pháp gì”.

 

Xã hội thường phê phán rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT không đúng với thực chất, trình độ học sinh. Trong khi đó, gia đình nào cũng mong muốn con em họ thi đỗ tốt nghiệp với số điểm cao nhất. Mỗi đơn vị trường học, ngành giáo dục - đào tạo cho đến chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh đều hy vọng thí sinh trường mình, tỉnh mình đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao nhất. Vậy mới có chuyện khi ngành GD-ĐT ở một địa phương tự xiết chặt vấn đề thi cử, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp đúng thực chất, đạt tỷ lệ thấp thì chính quyền sở tại nơi ấy lại lên tiếng.  Ngành GD-ĐT nơi đó trước tiên  bị chính quyền khiển trách, kiểm điểm, bị cắt thi đua; búa rìu dư luận của địa phương phê phán việc giảng dạy kém chất lượng(?!).

 

Ở kỳ thi tốt nghiệp THCS năm ngoái, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp của tỉnh Khánh Hòa được nhiều người cho rằng đúng thực chất, song ngành giáo dục lại phải chịu bao nhiêu “lời ra tiếng vào”; lãnh đạo sở bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Tâm lý chuộng thành tích đang hiện hữu trong xã hội.

 

Còn nhớ, có năm học Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc trong thi cử. Song mới chấm thí điểm một số bài thi tốt nghiệp THPT, các địa phương đều kêu la  ầm trời “đề khó - điểm thấp”. Thế là, Bộ vội vàng nâng ba-rem điểm lên.

 

Kết quả là tỷ lệ đỗ xấp xỉ 90%, nhiều nơi thí sinh đỗ suýt soát 100%. Có những học sinh tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi nhưng kiến thức thì trống rỗng! Đến khi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, cả nước chỉ có trên dưới 20% thí sinh thi đỗ; khoảng 60% thí sinh có tổng điểm 3 môn thi dưới 10 điểm. Nhiều học sinh dù đỗ tốt nghiệp THPT loại giỏi vẫn không thể nào thi đỗ ĐH, CĐ. Dư luận lại bắt đầu ầm ĩ  lên về sự sa sút của chất lượng giáo dục, bệnh thành tích…

 

Tình trạng thi cử thiếu nghiêm túc cứ thế tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là tâm lý nặng về bằng cấp của xã hội, đặt nặng chỉ tiêu thi đua, nhất là tỷ lệ thí sinh thi đỗ tốt nghiệp ở ngành GD-ĐT. Ngoài ra, công tác giáo dục đạo đức, cụ thể là giáo dục tính trung thực cho học sinh trong các trường học dường như bỏ quên, không được chú trọng.

 

Giải quyết tận gốc rễ những vấn đề đó không chỉ riêng ngành GD-ĐT mà còn cần có sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền và toàn xã hội. Có vậy thì mới mong có được những kỳ thi trung thực, không gian lận.

 

QUỐC BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek